Bỏ quỹ bảo trì đường bộ, phí đường bộ đi đâu?

Trong dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất bỏ quyết định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Bộ GTVT đang dự thảo Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành về Quỹ Bảo trì đường bộ. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất bãi bỏ 4 văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ bảo trì đường bộ.

Một trong những văn bản mà Bộ GTVT muốn bãi bỏ là quyết định năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương để phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo Bộ GTVT, phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện phải nộp vào NSNN và quản lý, sử dụng theo Luật NSNN. Vì vậy, việc quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ thông qua Hội đồng quản lý Quỹ là chưa phù hợp.

Việc có nên bỏ phí bảo trì đường bộ hay không gây nhiều tranh cãi.

Việc có nên bỏ phí bảo trì đường bộ hay không gây nhiều tranh cãi.

Liên quan đến vấn đề Quỹ bảo trì đường bộ, tháng 8/2019, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đề xuất bỏ Quỹ bảo trì đường bộ trung ương và địa phương vì đang có sự chồng chéo, thu không đúng đối tượng có sự chồng chéo, thu không đúng đối tượng.

Sau đó, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương lên tiếng giải thích, việc bỏ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương diễn ra chỉ mang tính chất sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động, phù hợp với các quy định mới của pháp luật hiện hành.

Còn người sử dụng phương tiện vẫn phải nộp phí theo quy định Luật Phí và lệ phí. Thay vì quỹ bảo trì đường bộ đưa về Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương như trước thì sẽ đi thẳng vào ngân sách nhà nước.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công - Học viện Tài chính bày tỏ sự đồng tình với việc đưa quỹ bảo trì đường bộ về NSNN thay vì Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương như trước.

"Việc thu phí là nguồn bổ sung ngân sách nên việc đưa về nguồn ngân sách nhà nước là đương nhiên. Khi không còn quỹ bảo trì đường bộ thì Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương giải tán là điều dễ hiểu" - PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho hay.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy lại bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo ông Thủy, việc bỏ tên quỹ bảo trì đường bộ thực tế không giúp cho chủ các phương tiện bớt đi được một khoản phí và lệ phí.

Hơn nữa, việc bổ sung quỹ bảo trì đường bộ vào nguồn ngân sách sẽ gây ra tình trạng "giải ngân không kịp thời" cho các địa phương sửa chữa đường hư hỏng, dễ xuất hiện tình trạng đường sửa xong nhưng tiền bảo trì chưa thấy đâu.

"Trước đây, nhiều tỉnh thành cũng than về việc Quỹ bảo trì đường bộ giải ngân không kịp thời. Trong bối cảnh có một hội đồng riêng xử lý Quỹ này đã vậy thì khi đưa khoản thu này về ngân sách, lại phải trải qua khâu kiểm duyệt, phân bổ từ nhiều cấp, bộ ngành khác nhau thì việc giải ngân khoản này sẽ càng chậm hơn" - ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, tốt nhất nên giữ lại Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương như hiện nay. Mặc dù vẫn tiếp diễn tình trạng giải ngân chậm nhưng chắc chắn vẫn còn nhanh hơn nếu như khoản thu này bổ sung vào ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, ông Lê Quang Mão - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đắc Lắk phản đối: "Theo tôi là nên bỏ. Thực chất việc ban hành về chế độ chính sách dĩ nhiên chúng tôi không phản đối, nhưng xét đến môi trường hoạt động trong kinh doanh vận tải thì hiện nay ngoài đường người chủ phương tiện, đối với vận tải kinh doanh, phải nộp quá nhiều loại phí.

Việc thuế chồng thuế, phí chồng phí lâu nay đã có, mà thậm chí còn thu nhiều, rõ ràng ảnh hưởng đến kinh doanh, đời sống của dân".

Ngọc Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-quy-bao-tri-duong-bo-phi-duong-bo-di-dau-3387734/