Bỏ rơi trẻ là tội ác

Về những thử thách gây hại cho cơ thể như Cá voi xanh, mới đây dư luận rúng động trước trò chơi momo với những clip bạo lực, lời đe dọa và hướng dẫn trẻ em tự sát. Chuyên gia tâm lý cho rằng, phụ huynh cần dành thời gian trò chuyện và tạo kỹ năng ứng xử cho trẻ.

“Thử thách Momo” rất nguy hiểm với trẻ em

“Thử thách Momo” rất nguy hiểm với trẻ em

“Quái vật Momo” có hơn 17,6 triệu kết quả tìm kiếm trên google, đang là từ khóa đặc biệt thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh Việt Nam và thế giới. Quái vật này có hình ảnh quái dị đầu người mình chim, tóc đen dài, mắt lồi miệng rộng xuất hiện trong “Thách thức Momo” - game “tự tử” trên ứng dụng WhatsAp, hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân và thách thức người khác làm theo, quay clip đăng lên internet.

Game “tự tử” này đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Những người chơi nhận được các hình ảnh bạo lực, lời đe dọa nếu như không thực hiện theo thử thách. Gần đây, những hình ảnh, clip bạo lực của “Thử thách Momo” xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình dành cho trẻ em như Fortnight, Peppa Pig... thậm chí trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids, đã gây tâm lý lo lắng trong cộng đồng.

Lý giải về các thử thách, trò chơi nguy hiểm như Cá voi xanh, Momo vẫn thu hút được người trẻ và trẻ nhỏ, PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cho hay: Trẻ em chưa đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân. Những trò chơi này đánh trúng tâm lý hứng thú với những điều khác biệt, mới mẻ và thích khám phá và khẳng định bản thân “vượt rào” những điều phụ huynh ngăn cấm.

PGS.TS Trần Thành Nam

Mặt khác, những thử thách, trò chơi nguy hiểm gây hại bản thân thường nhắm đến đối tượng có tâm trạng như cảm thấy bị bỏ rơi, không được quan tâm, mất định hướng cuộc sống, chán đời hay thù ghét bố mẹ. Những clip này rất dễ nhận được sự đồng cảm của các em đang bị tổn thưởng tâm lý; lợi dụng các em trên thái độ thù địch với thế giới xung quanh.

Theo PGS Nam, trong quá trình làm việc từng tiếp cận những trường hợp trẻ tiếp cận và làm theo hướng dẫn như một cách thức vừa trả thù bố mẹ vừa tạo được sự chú ý, lời khen trên diễn đàn và thể hiện bản thân vượt qua nỗi sợ hãi đau đớn.

PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định, những hình ảnh bạo lực, lời đe dọa xuất hiện trên những video dành cho trẻ như “Thử thách Momo” và những thử thách nguy hiểm trước đây đều không mang lại cảm xúc tích cực. Dù chưa dẫn đến hậu quả tự làm hại bản thân, trẻ vẫn gặp nhiều nguy cơ bị tổn thương tâm lý.

Đó là rơi vào trạng thái tâm lý sợ hãi, ám ảnh và gặp các hình ảnh đáng sợ trong giấc ngủ; hoặc vừa sợ vừa thích xem và có mong muốn tìm đến những hình ảnh, hành động đáng sợ hơn. Cả hai trường hợp, trẻ cần tìm đến sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn với các kỹ thuật về tâm lý để “điều khiển” và “tắt’ được những hình ảnh đáng sợ trong suy nghĩ; ngăn ngừa hình thành thói quen tiếp cận các hành động nguy hiểm.

PGS.TS Trần Thành Nam khuyến cáo không thể dựa vào bộ lọc của máy móc, trí tuệ nhân tạo để bảo vệ được trẻ trước những cám dỗ, nguy cơ gây hại từ internet, mạng xã hội. Phụ huynh mới là bộ lọc an toàn nhất và cần xây dựng quy tắc sử dụng, ứng xử cho trẻ khi tiếp cận internet. Phụ huynh cần xem các chương trình cùng trẻ và tìm hiểu những hoạt động, đối tượng tương tác trên mạng của trẻ, để sớm có những giải thích định hướng trước các tình huống không an toàn.

PGS Nam chia sẻ rất khó để biết trẻ đang có những suy nghĩ tiêu cực. Phụ huynh cần dành nhiều sự quan tâm quan sát hành vi, cảm xúc, cách nói chuyện... của trẻ hàng ngày để nhận biết sớm những dấu hiệu khác thường. Quan trọng nhất, cần tạo cho trẻ thói quen chia sẻ những điều gặp phải thay vì giấu giếm và có cách xử lý tế nhị, phù hợp.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/bo-roi-tre-la-toi-ac-1385552.tpo