Bổ sung biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng đối với người bạo lực gia đình

Công việc cộng đồng có thể là trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp xã là người tổ chức thực hiện việc này.

Chiều 14/11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 56 điều, bỏ 3 điều, bổ sung 3 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023. Một trong những điểm so với Luật năm 2007 là sửa đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, bổ sung biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú. Hoạt động gồm: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra, luật cũng bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. Bổ sung thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp xã và tòa án ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của nạn nhân; bổ sung quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc. Bổ sung quy định để bảo vệ người tham gia phòng, chống và báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí điều hành tham gia biểu quyết.

Một điểm mới nữa của luật là quy định về định nghĩa bạo lực gia đình và cụ thể về 16 hành vi bạo lực gia đình, dựa trên các yếu tố về bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục. Ngoài 16 hành vi bạo lực gia đình, luật cũng nêu một số hành vi bị cấm gồm kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác...

Luật cũng nêu rõ, người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là những mối quan hệ có phát sinh bạo lực gia đình.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát các quy định trong Bộ luật Hình sự để bổ sung vào khoản 1 Điều 3 một số hành vi còn thiếu như hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình lập hội, hội họp hợp pháp; cản trở thành viên gia đình khiếu nại, tố cáo, thực hiện quyền tự do ngôn luận báo chí, tiếp cận thông tin; chiếm giữ trái phép, sử dụng trái phép, cố ý làm hư hỏng tài sản của thành viên gia đình…và quy định thành 6 nhóm hành vi.

Toàn cảnh hội trường.

Có ý kiến đề nghị bổ sung "hành vi tự bạo lực đối với bản thân (tự tử, tự gây thương tích cho bản thân) nhằm ép buộc thành viên trong gia đình làm việc mình mong muốn hoặc đáp ứng yêu cầu của mình", "các hành vi khác chưa được quy định trong luật nhưng có đầy đủ các dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Khái niệm "bạo lực gia đình" được xác định tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật là "hành vi cố ý của thành viên gia đình với mục đích gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình". Do vậy, với khái niệm này, hành vi tự gây tổn hại cho bản thân với mục đích ép buộc thành viên gia đình làm theo ý mình không phải là hành vi bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình phổ biến, thường xảy ra trong thực tiễn đời sống và cần áp dụng các biện pháp đặc thù với mục tiêu cao, nhất là bảo vệ người bị bạo lực gia đình, giáo dục, hỗ trợ người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt bạo lực gia đình; việc bổ sung một điểm "quét" "các hành vi khác chưa được quy định trong luật nhưng có đầy đủ các dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình" là chưa bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng trong quy định pháp luật. "Với các lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo luật", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu.

An Quỳnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-sung-bien-phap-thuc-hien-cong-viec-phuc-vu-cong-dong-doi-voi-nguoi-bao-luc-gia-dinh-i674239/