Bổ sung chính sách phù hợp

Khoa học - công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là chìa khóa quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh, tốc độ phát triển của bất kỳ quốc gia nào, nhất là quốc gia đang phát triển.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. KH&CN và ĐMST được khẳng định với vai trò là động lực chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững với môi trường; là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế - xã hội, môi trường, đối với thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.

 Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để bứt phá, ngoài cải thiện môi trường đầu tư thì KH&CN, ĐMST là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển. Nhìn rộng ra tại Hàn Quốc hay Nhật Bản, nền kinh tế phát triển như hiện nay là do họ quan tâm đầu tư cho ĐMST và phát triển KH&CN rất lớn. Thực tế cũng cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2020, KH&CN và ĐMST ở Việt Nam đã thể hiện đóng góp quan trọng trên cả ba trụ cột quan trọng của phát triển bền vững là phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động và mức độ ĐMST ở Việt Nam, cần quan tâm, đẩy mạnh quảng bá về hoạt động ĐMST nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN) về ĐMST; tổ chức cung cấp cho DN thông tin chi tiết, cần thiết về ĐMST cũng như thành tựu của các DN đạt được trong ĐMST. Cần có một tổ chức đầu mối đứng ra tổng hợp thông tin về hoạt động ĐMST của DN.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, để thông qua đó khuyến khích DN đẩy mạnh hoạt động ĐMST, nâng cao trình độ công nghệ. Bởi vì, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, quyền sở hữu công nghiệp về các kết quả ĐMST của DN được bảo đảm tốt hơn.

Đồng thời, cần có chính sách cụ thể hỗ trợ đổi mới sản phẩm, nhất là sản phẩm mới, quy trình công nghệ mới (từ khâu nghiên cứu và phát triển đến khâu tiếp thị, đưa sản phẩm ra thị trường). Chẳng hạn, tháo gỡ chính sách tín dụng (hỗ trợ, tài trợ liên quan đến khoản vay...) để DN có thêm nhiều cơ hội vay các nguồn vốn phục vụ cho đổi mới công nghệ; huy động các lực lượng chuyên gia, nhà khoa học... tư vấn kỹ thuật cho DN hay có thể đổi mới các chương trình KH&CN thành chương trình mục tiêu hỗ trợ DN ĐMST.

Mặt khác, cần thúc đẩy hoạt động hợp tác ĐMST giữa các DN, giữa DN với đại học và viện nghiên cứu. Thực tế thời gian qua, DN rất “đóng kín” trong việc thực hiện đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, cũng như mức độ hợp tác với tổ chức bên ngoài rất thấp. Do vậy, cần nghiên cứu để có chính sách thích hợp.

Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng lực của nhân lực nghiên cứu và phát triển. Do đó, cần bổ sung một số chính sách giúp DN nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển như: Tăng cường hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu trong thực hiện các dự án ĐMST; thông qua hoạt động tư vấn kỹ thuật từ các chuyên gia, nhà khoa học cho DN; có ưu đãi đối với kỹ sư, nghiên cứu viên chuyển công tác về DN làm việc....

Trong kiến tạo và thực thi chính sách về KH&CN, ĐMST cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các DN nhỏ và vừa để các DN này ĐMST nhiều hơn nữa, mở rộng quy mô và nâng cao tỷ trọng doanh thu của đổi mới sản phẩm, quy trình.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-sung-chinh-sach-phu-hop-135737-135737.html