Bổ sung hormone tăng trưởng, trẻ chậm cao tăng thêm 8-12cm/năm

Bệnh nhi chậm cao vì thiếu hormone tăng trưởng GH. Bắt đầu điều trị, bé 9 tuổi, cao 127,5cm. Sau 1 năm 4 tháng điều trị bằng GH, bé đã tăng thêm 14 cm.

Ngay từ lúc trẻ 2 tuổi, phụ huynh đã nhận thấy con thấp so với những bạn đồng trang lứa nên đã tăng cường dinh dưỡng. Tuy nhiên, chiều cao không cải thiện và cũng không tìm được nguyên nhân.

Nếu trẻ chậm cao do thiếu GH, việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4 - 13 tuổi.

Cho đến ba năm trước, đến khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám, bé H.T được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng nên chậm cao.

Thời điểm bắt đầu điều trị (tháng 9/2019), bé 9 tuổi, cao 127,5cm, nặng 26,6 kg. Sau 1 năm 4 tháng điều trị bằng GH, bé đã tăng thêm 14cm. Hiện tại, bé vẫn đang tiếp tục điều trị và được theo dõi chiều cao, sự phát triển thể chất đều đặn.

Một trường hợp bé trai bắt đầu điều trị GH khi lên 7 tuổi. Thời điểm bắt đầu điều trị bé cao 113 cm, nặng 26 kg. Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3 - 4 cm/năm), luôn thấp nhất lớp. Bé có chỉ định điều trị GH và điều trị liên tục trong 6 năm.

Khi 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì và được ngưng điều trị, chiều cao của bé là 155cm, nằm trong mức trung bình (trung bình bé tăng 7 - 8 cm/ năm). Sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé đạt được là 165 cm.

Từ năm 2017 đến nay, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đã tầm soát miễn phí cho hơn 1700 trẻ, trong đó có hơn 140 trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng. Trong năm 2022, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng hơn 200 trẻ đến thăm khám.

Theo các bác sĩ, nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được.

Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145 cm.

Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đang điều trị khoảng hơn 100 trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH,

Theo TS. BS Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được xét nghiệm máu để định lượng chính xác hormone tăng trưởng và một số hormone liên quan khác trong cơ thể.

Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48 - 52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20 - 25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10cm, năm thứ 4 tăng 7cm. Từ 4 -11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4 - 6cm/năm. Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.

BS Trần Thị Ngọc Anh, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, cách tốt nhất để phát hiện chậm tăng trưởng chiều cao là đo chiều cao hàng tháng và dựa vào biểu đồ tăng trưởng. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao nằm ngang hoặc đi xuống, phụ huynh cần cho trẻ thăm khám ngay.

Theo khuyến nghị của BS Ngọc Anh, nếu trẻ chậm cao do thiếu GH, việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4 - 13 tuổi. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa.

Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti.

Thiếu GH có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não…

GH được tiết ra từ tuyến yên ở não. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể; đồng thời GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.

Với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...

Trẻ thiếu GH cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu GH như thiếu tập trung, trí nhớ kém…

Trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngừng lại.

(Nguồn: VTV24)

An Quý

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/bo-sung-hormone-tang-truong-tre-cham-cao-tang-them-8-12cmnam-1719314.html