Bổ sung nhiều quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu

Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu có bổ sung nhiều quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh.

Nhà thầu Tổng công ty Vinaconex lắp đặt những khe co giãn trên cầu Vĩnh Tuy 2 Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Theo đó, một trong những điểm đáng chú ý là Dự thảo Nghị định bổ sung nhiều quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh...

Dự thảo Nghị định quy định nhiều ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu (so với quy định hiện hành), gồm: ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi đối với nhà sản xuất trong nước được chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định cũng sẽ ưu đãi đối với nhà sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên cơ sở sáng chế hoặc kết hợp một phần chuyển giao công nghệ; ưu đãi đối với đấu thầu trong nước; ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn năng lượng và tương đương.

Cụ thể, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được chia làm 2 mức ưu đãi: hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước dưới 50% và hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước trên 50%.

Theo đại diện Ban soạn thảo, mục đích đưa ra 2 mức ưu đãi trên là để khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước ở mức tối đa.

Và để khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước, ưu tiên lao động nữ, dân tộc thiểu số và người yếu thế, dự thảo Nghị định đưa ra tỷ lệ về chi phí sản xuất trong nước với 2 mức ưu đãi như sau:

Đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam dưới 50%: được thực hiện theo như quy định hiện nay tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hàng hóa được hưởng mức ưu đãi cộng thêm khoản tiền hoặc cộng điểm ưu đãi vào điểm tổng hợp với mức tỷ lệ là 7,5%.

Đối với mức hàng hóa có xuất xứ Việt Nam từ trên 50% dự kiến mức tỉ lệ này là: Phương án 1 là 10%; Phương án 2 là 12%. Đồng thời, nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ Việt Nam và nhà thầu có sử dụng lao động là nữ, người khuyến tật, thương binh, dân tộc thiểu số từ 50% trở lên thì được tính ưu đãi theo tỷ lệ ưu đãi là: Phương án 1 là 12%; Phương án 2 là 15%

Đối với đấu thầu trong nước, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về ưu đãi đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, người có thẩm quyền quyết định việc gói thầu có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng đối với dự toán mua sắm chỉ cho phép nhà thầu có từ 50% lao động có hợp đồng lao động tối thiểu 03 tháng trở lên là người khuyết tật, thương binh, dân tộc thiểu số tham dự thầu. Quy định này là không bắt buộc mà căn cứ theo quyết định của người có thẩm quyền xem xét.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự thảo Nghị định quy định về ưu đãi theo hướng ưu tiên khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm.

Đối với nhà sản xuất trong nước được chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định về ưu đãi theo hướng ưu tiên khi đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và được sử dụng các tài liệu, kết quả thử nghiệm của bên chuyển giao công nghệ để chứng minh tính kiểm chứng và phù hợp của loại hàng hóa sản xuất đối với những nội dung được chuyển giao theo hợp đồng chuyển giao công nghệ…

Bà Phạm Thị Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, để thuận tiện trong việc tính ưu đãi khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, chỉ nên quy định 1 mức ưu đãi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Trách nhiệm của nhà thầu là phải có giấy tờ chứng minh hàng hóa dự thầu có xuất xứ Việt Nam. Bên mời thầu căn cứ vào tài liệu nhà thầu cung cấp để đánh giá mức độ được hưởng ưu đãi của nhà thầu.

Theo bà Hà, trên thực tế, việc quy định cách tính ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo tỷ lệ % chi phí sản xuất trong nước rất khó thực hiện và bóc tách, khó chứng minh và cũng khó kiểm chứng.

Do đó, sẽ không thuận lợi và khả thi để thực hiện quy định này thông qua các tiêu chí mời thầu. Trường hợp cần thiết phải quy định tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi thì các ngành, các lĩnh vực riêng, đặc thù sẽ có quy định cụ thể tùy vào tình hình thực tế của ngành, nghề đó.

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Hào Hùng cho biết, Ban soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, cá nhân, tổ chức quan tâm để nghiên cứu, sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực thi hành./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-sung-nhieu-quy-dinh-uu-dai-trong-lua-chon-nha-thau/305880.html