Bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách

Dự thảo bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ.

Chiều 20-4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Dự thảo (sửa đổi) gồm 8 chương và 79 Điều (giữ nguyên số chương và giảm 01 điều so với Luật hiện hành). Tờ trình của Chính phủ cho biết, Dự luật đã Bổ sung Đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bổ sung quy định “doanh nghiệp phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động”.

Bổ sung quy định doanh nghiệp “có vốn chủ sỡ hữu không thấp hơn 05 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư” (nội dung này trong Luật hiện hành giao cho Chính phủ quy định; sử dụng thuật ngữ vốn pháp định).

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật (ảnh: Quốc hội)

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp/cấp đổi/cấp lại/thu hồi giấy phép, bỏ quy định đổi giấy phép khi thay đổi đăng ký kinh doanh. Bổ sung quy định về gia hạn giấy phép, theo đó doanh nghiệp dịch vụ được gia hạn giấy phép nếu đáp ứng các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dự thảo cũng sửa đổi khái niệm về tiền dịch vụ “là khoản tiền doanh nghiệp được nhận từ người lao động và bên nước ngoài tiếp nhận lao động theo thỏa thuận để thực hiện dịch vụ động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” và các quy định liên quan đến tiền dịch vụ.

Đồng thời, bổ sung khái niệm về Hợp đồng môi giới “là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân trung gian về việc giới thiệu bên nước ngoài tiếp nhận lao động để giao kết Hợp đồng cung ứng lao động”; không sử dụng khái niệm “tiền môi giới” mà thay bằng “thù lao theo hợp đồng môi giới” là khoản tiền mà hai bên thỏa thuận; bỏ quy định về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ tại quy định liên quan đến thù lao theo hợp đồng môi giới.

Đáng quan tâm, Dự thảo bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban Điều hành quỹ. Đồng thời, quy định về các nội dung được chi từ Quỹ, theo đó 08 đầu mục hoạt động được chi từ quỹ chủ yếu cho hoạt động mang tính chất thúc đẩy phát triển thị trường có chất lượng, phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban về các vấn đề xã hội, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án dự án Luật.

Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt rà soát theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.

Ủy ban thẩm tra cũng cho rằng, về cơ bản dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần tiếp tục rà soát mối quan hệ giữa dự thảo Luật với quy định của các luật hiện hành và mối quan hệ giữa dự án Luật với các dự án Luật mà Quốc hội đang cho ý kiến.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện về tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn và có kế hoạch phê chuẩn trong thời gian tới./.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-sung-quy-dinh-quy-ho-tro-viec-lam-ngoai-nuoc-la-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-189742.html