Bổ sung tổ chức giám định công lập thuộc VKSNDTC

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, một điểm mới đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp là thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh tại buổi họp báo công bố luật ngày 10/7.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh tại buổi họp báo công bố luật ngày 10/7.

Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Luật mới bổ sung 1 điều, 4 khoản và 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 điều, 22 khoản và 9 điểm.

Cụ thể, mở rộng phạm vi của giám định tư pháp; bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự...

Trong đó, việc thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự là để góp phần đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Khoản 5 Điều 12 của Luật quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc VKSNDTC”. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.

Luật lần này cũng bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định. Việc này để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Theo đó, Điều 23 của Luật bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người giám định, trong đó có quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cảu bản thân hoặc người thân của họ và quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa…

Ngoài ra, 9 Luật khác cũng được công bố gồm: Luật Xây dựng (một số quy định có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Thanh niên năm 2020.

Cả 10 Luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/bo-sung-to-chuc-giam-dinh-cong-lap-thuoc-vksndtc-528700.html