'Bộ sưu tập cát' - não bộ bắt đầu từ mắt

Trong cuốn tiểu luận 'Translating Myself and Others' (tạm dịch: Chuyển ngữ chính tôi và những người khác), nữ nhà văn Jhumpa Lahiri đã có một bài viết dài về tiểu thuyết gia Italo Calvino, khi gọi ông là điển hình của một nhà văn quốc tế. 'Bộ sưu tập cát' (Phanbook và NXB Hội Nhà Văn, 2023) ra mắt gần đây càng khẳng định thêm điều đó, khi làm nổi bật 'sự hiếu kỳ bách khoa' cũng như 'ham muốn quan sát tỉ mỉ để cố gắng hiểu 'sự thật thế giới'', như lời dịch giả phiên bản tiếng Anh – Martin McLaughlin, nhận xét.

Là tác giả của nhiều tiểu thuyết danh tiếng, nhưng ít người biết Calvino cũng là cây bút tiểu luận xuất sắc. Nối tiếp cuốn đầu trong việc tập hợp những câu chuyện cosmicomic (vũ trụ kỳ thú) là Una pietra sopra (nghĩa đen là Đặt một viên đá lên), Bộ sưu tập cát là cuốn thứ hai và cũng là cuốn cuối cùng trước khi tác giả qua đời vào năm 1985. Trong tác phẩm này, ông sẽ đưa ta qua nhiều địa danh và các nơi chốn, từ các cuộc triển lãm ở Paris giai đoạn 1980 – 1984 đến những cuốn sách vô cùng đặc biệt, và rồi khép lại với bộ ba vùng đất “phi châu Âu” – Nhật Bản, Mexico và Iran.

Tiểu thuyết gia Italo Calvino. Ảnh: The Times

Tiểu thuyết gia Italo Calvino. Ảnh: The Times

Nhà văn vượt khỏi biên giới

Như Jhumpa Lahiri đã từng chia sẻ, Calvino là một cây bút “không hoàn toàn Ý”. Ông sinh ra ở Cuba, lớn lên ở San Remo - thành phố nước Ý cực kì quốc tế, và đã kết hôn với một dịch giả người Argentina. Ông đã sống nhiều năm ở Pháp, đi khắp thế giới, cũng như từng coi New York - ngã giao lâu đời của các ngôn ngữ và nền văn hóa, giống “nhà” mình nhất.

Lúc còn rất trẻ ông đã khám phá Kipling và làm luận án về Conrad, họ cũng không phải những văn nhân Ý. Ông cũng là một dịch giả của Raymond Queneau – “thầy” của Patrick Modiano, một nhà văn Pháp vốn rất nổi tiếng với các ý tưởng cũng như ngôn ngữ vượt các lề thói (mà Calvino rồi sẽ hòa mình trong các tác phẩm thuộc “siêu tiểu thuyết”). Sở hữu những đặc trưng ấy, cho nên không ai phù hợp hơn Calvino để dẫn ta vào trọng tâm sự thật.

Gồm các bài viết được đăng dài kỳ trên tờ La Repubblica (Ý), phạm vi cũng như chủ đề mà Calvino đã dấn bước vào là rất ấn tượng. Có khi ông đưa ta vào những bộ sưu tập kỳ quặc về những lọ cát, những chiếc mặt nạ, những cuốn nhật ký… nhưng cũng có khi khiến ta lạnh hết sống lưng, khi đó là nơi Bảo tàng Giải phẫu với những cá thể và những vật thể vốn được tạo ra từ những biến dị…

Đi từ quá khứ, phóng đến hiện tại, vượt khỏi tương lai, Calvino đã cho ta thấy có hai bản thể của con người ông – một nhà báo, một người tường thuật hoàn toàn trung thực; nhưng cũng có khi là một nhà văn, một nhà suy tưởng… về các vấn đề mang tính triết học, khoa học, lịch sử như thời gian, không gian, tia nhìn… và các chủ điểm hoàn toàn khác biệt.

Có những đoản văn mà ông viết ra chỉ thuần ý định cung cấp thông tin đến cho độc giả cách nhiều giờ bay. Đó là những cuộc lật ngược bức tranh Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân của Delacroix để biết sau bức họa đó là tác phẩm khác từng được vẽ ra, hay cuộc triển lãm ở nơi từng là nhà ở của Balzac cũng cho ta biết những nhà văn Pháp thế kỷ 19 từng được đào tạo như những họa sĩ để hoàn thiện thêm cho nghiệp vụ chính thế nào (dù đáng buồn thay là các khả năng trong hai lĩnh vực thường ngược với nhau)…

Bìa sách Bộ sưu tập cát. Ảnh: Minh Anh

Tuy vậy cũng có nhiều bài đậm tính suy tư với những khai triển hướng vào suy luận và sự tương quan. Như Calvino thừa nhận, ông không coi mình là nhà phê bình hay người đánh giá các tác phẩm nghệ thuật, nên lời của ông chỉ là một tiếng vọng nhỏ như một dấu chân bước trên đồi cát (sẽ bị xóa sổ). Và cũng từ ý đồ đó, mà cách ông viết không mang theo sự áp đặt (như graffiti với font không chân của Hitler), mà là những lời bình dị của người bình thường.

Trong đó ông vẫn giữ lại cho bản thân mình rất nhiều motif, và rồi sau này cũng sẽ trở lại (hoặc đã có sẵn) trong con người ông. Như thể trong bài Thế giới Mới mới như thế nào về cuộc triển lãm Châu Mỹ qua mắt nhìn của châu Âu gồm hơn 350 bức tranh, bản in và đồ vật tại Grand Palais (Paris), ông đã làm rõ thuật ngữ “holon” (toàn/bộ) của Arthur Koestler rồi sẽ được Ken Wilbur tiếp thu trong Một lược sử về vạn vật, nhằm ám chỉ đến thực thể có bản chất vừa đầy đủ trong bản thân nó, nhưng cũng đồng thời là một phần nhỏ của toàn thể khác.

Điều đó được thấy ở tấm bản đồ không thể chứa đựng cả thế giới này, nên nó sẽ là phần nhỏ của thế giới lớn, nhưng cùng lúc đó nó cũng là hết toàn bộ của một địa hạt. Nhân rộng ra hơn, Calvino không coi con người cùng với văn chương là thứ gì đó có tính độc lập. Do đó dù trước hay sau, dù đứng riêng biệt hay có phụ thuộc, thì ta sẽ thấy rất nhiều tương đồng đi ra hoặc là đi vào các trải nghiệm này, và rồi hình thành nên văn chương ông.

Chẳng hạn tác phẩm Bầy phù du trong pháo đài gồm các sắp đặt hướng về siêu thực với những tấm kim loại mỏng rồi sẽ trở lại trong cuốn Lâu đài của những số phận giao thoa. Điều này rồi sẽ tồn tại cũng trong Palomar với ngôi đền thiêng ở Mexico hay tính chất Nhật trong Nếu một đêm đông có người lữ khách… Calvino thấy mình là một con người giữa trời đất này, là người sở hữu những suy tư riêng, nhưng rồi cũng sẽ nhập vào bầy đàn hoàn toàn ô trọc.

Tác phẩm điêu khắc của Fausto Melotti dễ khiến độc giả liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết Lâu đài của những số phần giao thoa. Nguồn: Christie

Cõi người ta

Cũng rất cần nói về một cấu trúc hoàn toàn “cố ý” của cuốn sách này. Đặt đầu tiên là tiểu luận ngắn Bộ sưu tập cát, cấu phần có thể nói là ấn tượng nhất và là hay nhất của Calvino. Tuy vậy nó không đứng trước chỉ vì độ hay hoặc sự ấn tượng, mà bởi còn là khởi đầu cũng như kết thúc của nhiều chuyện khác. Như dịch giả Martin McLaughlin đã từng phát hiện, Calvino có niềm ham thích với các khoáng vật, khi đi từ “đá” (ở tập đầu tiên) đến “cát” (ở cuốn sách này), và rồi thêm một lần nữa nhắc lại ở bài cuối cùng: Điêu khắc tượng và dân du mục ở Iran. Điều đó cho thấy là đến sau cùng thì con người ta cũng như những người du mục ở vịnh Ba Tư, khi “không để lại bất kỳ dấu vết nào ngoài dấu chân của họ trong cát bụi.”

Dù vậy cái chết không an ủi ông, mà là một sự vắng từ trong thiên nhiên. Không tính những đoạn nói về cây cỏ (mà McLaughlin cho rằng nó có ảnh hưởng từ cha của ông – một nhà nông học) như Bách khoa toàn thư của một nhà huyễn tưởng, Ngàn ngôi vườn, chuỗi ba du bút ở Mexico… thì những di tích từng có một thời cũng cho ta thấy con người nhỏ bé ra sao. Từ những cây cột Trojan đến cuộc khai quật tại Settefinestre… tất cả rồi sẽ tan vào cát bụi, để thứ duy nhất còn lại là tấm thảm dệt “được trải trên mặt đất trống ở bất cứ nơi nào họ dừng chân nghỉ qua đêm, và được cuộn lại vào buổi sáng để mang theo cùng mọi thứ đồ đạc khác trên bướu lạc đà.”

Và đó hẳn nhiên còn chưa tính đến những sự ô trọc của chính con người, trong làn sóng trinh thám và quan sát thấy các vụ giết người dần làm biến chất (Những kỳ tích của báo chí phổ thông), những sự ngạo mạn cũng như lười biếng (Thành phố chữ viết, Sự cứu chuộc của đồ vật, Cuộc phiêu lưu của ba thợ đồng hồ và ba người máy…) và cũng là nỗi ám ảnh (Những con tem của tâm thái, Quần đảo của những địa danh tưởng tượng hay Bộ sưu tập cát…)

Ngọn lửa thuần khiết dâng lên vị Thánh Ahura Mazda mà Calvino có lần đề cập. Ảnh: Learn Religions

Chính những tạp nhiễm cũng đã lý giải vì sao những ngọn lửa thiêng từ gỗ đàn hương dâng lên Ahura Mazda bỗng dưng kín đáo và đầy bất an. Calvino đã viết lại rằng để vào được nơi nguyện đường giấu kín trong một căn phòng hoàn toàn cách biệt đối với thế giới, thì con người ta phải đội “chiếc mũ nồi nhỏ màu trắng, che miệng bằng tấm mạng trắng” để “ngăn ngọn lửa thiêng bị ô nhiễm bởi hơi thở của con người”. Ông từng lý giải phải chăng sự thiêng liêng ấy có thể tồn tại vì con người ta “không thể chạm vào”, từ đó hình thành nên những huyễn tưởng riêng về cái vẻ đẹp hay một đời sống có tính thuần khiết?

Bằng sự sắp xếp mà các tiểu luận ở đầu cuốn sách đã từng giải thích, thì là bất khả để làm khác đi những thứ vốn là, khi chính con người đã luôn tạp nhiễm, cũng như cái đẹp và sự thuần khiết là không có thực. Xét cho đến cùng con người phù du, và đã ô uế từ nhiều giai đoạn, để nơi của các triển lãm, xuất hiện trong các tập sách… là những bản thể ngày càng dị dạng, biến chất không ngừng.

Từ những điều trên có thể thấy rằng thông qua các ấn tượng được tiếp nhận bằng mắt, Bộ sưu tập cát còn là một lối dẫn vào các suy tư sâu về thế giới này. Như tấm bình phong mihrab vốn là đặc trưng ở xứ Iran mà ông ghé thăm, thế giới đứng trước mắt ông đã được lên khung và được án ngữ bởi một mặt phẳng bao trùm mọi thứ - cái chết, sự ám ảnh và cái nhỏ bé…

Nhưng thay vào đó nó cũng đục lỗ để ta đi sâu vào những nhánh rẽ, nơi “sự thật của thế giới” bắt đầu thành hình, và còn mỏng manh như một lớp váng nổi trên bề mặt mà Calvino đã rất “nhanh tay” để tái tạo nó, như là người thợ thổi lấy thủy tinh đúng thời điểm vàng. Qua tác phẩm này một Calvino khác cũng đã hiện ra, với sự liên tưởng, tưởng tượng, so sánh… và vốn kiến thức cực kỳ uyên thâm.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bo-suu-tap-cat-nao-bo-bat-dau-tu-mat-39816.html