Bộ Tài chính bác đề nghị hỗ trợ ngành hàng không: Nhớ câu 'hài hòa lợi ích'

Chỉ ít ngày sau khi Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vận tải trước sức ép xăng dầu tăng giá, Bộ Tài chính phản hồi không đồng ý với đề xuất miễn và giảm thuế của doanh nghiệp hàng không khi ngành đang được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí.

Theo đó, việc một số hãng hàng không kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm nay, giảm thuế VAT xuống mức 5% và điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không từ mức 7% xuống 0%...là không hợp lý.

Đối với ngành hàng không, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 nghị quyết quy định giảm 30% đến 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Trong đó, mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng trong năm 2022 là 50%.

Đối với tác động tiêu cực từ giá xăng dầu gần đây, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các giải pháp giãn, giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 223.000 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, so với nhiều ngành sản xuất khác thì đối với ngành hàng không bên cạnh được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung còn được áp dụng chính sách hỗ trợ về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ngay từ khi thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, việc đặt vấn đề bổ sung thêm các giải pháp để hỗ trợ cho ngành hàng không cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước.

Dư luận đồng tình và hoan nghênh quan điểm nêu trên của Bộ Tài chính. Vẫn biết tác động của việc tăng giá xăng dầu do đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với nền kinh tế nước ta nói chung, các doanh nghiệp vận tải nói riêng là rất lớn nhưng không vì thế mà vội vàng đưa ra các chính sách thiếu tổng thể, xa rời thực tiễn, “thấy cây mà không thấy rừng”.

Mặt khác, cũng rất cần phòng chống căn bệnh “trầm kha” tát nước theo mưa mỗi khi xăng dầu tăng giá thì một số doanh nghiệp và cá nhân ở nhiều ngành dịch vụ lại ăn theo tăng giá vô tội vạ, bất chấp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính từng thẳng thắn cảnh báo hiện tượng này và chỉ rõ: Không thể đặt quyền lợi của một số doanh nghiệp lên trên quyền lợi của quốc gia dân tộc, lợi ích của cả cộng đồng.

Từ câu chuyện nêu trên, dư luận một mặt đồng tình hoan nghênh với những phân tích xác đáng của Bộ Tài chính nhưng cũng thấy rằng, với Bộ Giao thông Vận tải, trong tham mưu đề xuất các chính sách cho Chính phủ phải bám sát thực tiễn và các căn cứ pháp luật hơn nữa. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế là cần thiết nhưng phải đặt trong tổng thể nền kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích. Nếu như tham mưu không đúng, rất có thể lợi bất cập hại tăng thêm gánh nặng cho cả ngân sách cũng như sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung.

Công Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-tai-chinh-bac-de-nghi-ho-tro-nganh-hang-khong-nho-cau-hai-hoa-loi-ich-176515.html