Bộ Tài chính đề nghị 3 bộ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

Ba bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa được Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng trong lĩnh vực quản lý.

Thông tin tại hội nghị trực tuyến “Đánh giá triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” sáng 16/5, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Đến nay đã có 11 bộ, ngành và 62 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công; có 6 bộ, ngành và 15 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; 3 bộ, ngành và 5 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Để triển khai thi hành luật, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 26 văn bản, bao gồm: 14 nghị định của Chính phủ, 1 nghị quyết của Chính phủ, 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, “vẫn còn khoảng 50% bộ, ngành, địa phương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng....

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với luật nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung.

“Vẫn còn khoảng 50% bộ, ngành, địa phương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản”, ông Thịnh cho hay.

Nguyên nhân chủ yếu do các bộ chuyên ngành như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành.

“Điều này có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Nguyên nhân do một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” - ông La Văn Thịnh cho hay.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công, phòng tránh các biểu hiện tiêu cực, thất thoát tài sản.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công. Qua đó, thực hiện các giao dịch về tài sản như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản... đảm bảo công khai, minh bạch.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng trong lĩnh vực quản lý.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại, xác định giá trị tài sản hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác theo quy định...

Ông Nguyễn Hữu Quang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, để đảm bảo các quy định của luật được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa, Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó đặc biệt là tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý nhà nước về tài sản công; tăng cường phổ biến, tuyên truyền về quản lý, sử dung tài sản công; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định.

Minh Thư

Từ khóa: sử dụng tài công tài sản công Luật tài sản công định mức tài sản công Cục quản lý công sản

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/bo-tai-chinh-de-nghi-3-bo-ban-hanh-tieu-chuan-dinh-muc-su-dung-tai-san-cong-post299738.info