Bộ Tài chính: Dư địa kiểm soát lạm phát còn tương đối lớn

CPI 9 tháng đầu năm tăng 2,73% so với đầu năm, như vậy, dư địa kiểm soát còn tương đối lớn. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được nếu không có yếu tố tác động lớn.

Đây là khẳng định của đại diện Bộ Tài chính tại họp báo thường kỳ quý III, chiều 29/9.

Dẫn số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, đưa CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73% so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Tài chính khẳng định, hiện nay, lạm phát đang được kiểm soát tốt.

“Theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra, chỉ số lạm phát năm nay không quá 4%. Như vậy, dư địa còn tương đối lớn” – ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.

Dư địa kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ còn khá lớn

Dư địa kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ còn khá lớn

Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, từ nay đến cuối năm, vẫn còn một số yếu tố gây áp lực tăng giá. Thứ nhất là giá nhiên liệu và năng lượng từ giờ đến cuối năm chắc chắn biến động rất phức tạp, do diễn biến căng thẳng giữa Nga – Ukraine rất khó lường.

“Chúng tôi cũng nhận thấy thời gian qua, giá xăng dầu có xu hướng giảm, nhưng còn 3 tháng nữa từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến phức tạp, có thể có tăng giá nhất định” – ông Nguyễn Văn Truyền nhận định.

Thứ hai, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, có thể khiến giá hàng hóa tăng.

Thứ ba là ảnh hưởng của thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ phức tạp, sẽ còn một số cơn bão nữa gây ngập lụt, có thể làm tăng cục bộ một số mặt hàng thiết yếu địa phương và giá lương thực thực phẩm tăng.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá hàng hóa như: Các mặt hàng do Nhà nước định giá như điện, dịch vụ công…, theo chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo, sẽ giữ ổn định.

Cùng với đó là sự kiên định trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách miễn, giảm thuế phí cũng có tác động giảm áp lực tăng giá…

Tựu chung lại, ông Nguyễn Văn Truyền khẳng định mục tiêu đề ra của Quốc hội, Chính phủ là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu không có yếu tố tác động quá lớn.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra trong bối cảnh đối mặt áp lực rất lớn, 9 tháng qua, nhiệm vụ và các giải pháp kiểm soát luôn nằm trong các chương trình nghị sự của Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành.

Điều này cho thấy Chính phủ đã tập trung rất nhiều nguồn lực, trí lực để thực hiện mục tiêu này, không chỉ các giải pháp về tài khóa mà còn kết hợp các giải pháp về tiền tệ, công thương, sản xuất – kinh doanh…

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách giảm thuế ngay từ đầu năm cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng; đề xuất giảm thuế mặt hàng xăng dầu, từ đó giữ được giá xăng dầu - một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất.

Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị nhiều phương án khác về thuế đối với mặt hàng xăng dầu, tùy thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới để sẵn sàng ứng phó.

Cùng với đó là các biện pháp điều hành giá đối với các mặt hàng thiết yếu như giá nông sản, lương thực thực phẩm, y tế, giáo dục… để có được kết quả như hiện nay.

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-tai-chinh-du-dia-kiem-soat-lam-phat-con-tuong-doi-lon-post518408.antd