Bộ Tài chính đứng vị trí thứ hai về Chỉ số Cải cách hành chính năm 2018

Ngày 24/5, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số Cải cách hành chính - PAR Index 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 - SIPAS 2018.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai dự hội nghị.

Kết quả Chỉ số PAR Index 2018 tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm thứ nhất, Chỉ số PAR Index trên 80%, bao gồm 14 Bộ và cơ quan ngang Bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tài chính; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương (84,38%); Ngoại giao; Khoa học và Công nghệ; Nội vụ; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch & Đầu tư. Nhóm thứ hai, Chỉ số PAR Index từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 4 Bộ: Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Y tế và Giao thông vận tải. Ủy ban Dân tộc, do đặc thù công tác không tham gia khảo sát.

Với kết quả 90,19%, Bộ Tài chính đã thay đổi vị trí xếp hạng so với năm trước, vươn lên đứng vị trí thứ hai. Đặc biệt, ở chỉ số thành phần, điểm thẩm định với kết quả 58,32%, Bộ Tài chính đứng vị trí thứ nhất; điểm điều tra xã hội học xếp vị trí thứ hai chỉ sau Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 31,87%.

Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Bộ Tài chính đã đứng ở vị trí thứ 2 trong năm 2014, 2015, 2016. Đến năm 2017, tuy “tụt” một bậc so với những năm trước, song có thể hiểu phần nào là do dư địa cải cách của ngành Tài chính đã thu hẹp dần ở lĩnh vực thủ tục hành chính và hiện đại hóa, sau một thời gian công tác này được quyết liệt triển khai.

Năm 2018, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính, trọng tâm là công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Vì vậy, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính không chỉ đạt kết quả tích cực trong từng lĩnh vực riêng lẻ mà giữa các lĩnh vực đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả cải cách hành chính chung trong tất cả lĩnh vực tài chính.

Theo Báo cáo Chỉ số SIPAS 2018, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 82,99%; tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 69,98% - 97,88%. Như vậy, tỉnh có Chỉ số hài lòng cao nhất là 97,88% và tỉnh có Chỉ số hài lòng thấp nhất là 69,98% và sự cách biệt xấp xỉ 28%..

Đối với kết quả PAR INDEX 2018 của các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%, cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là Hà Nội, đạt 83,98%.

Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2018 còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của 2 địa phương đó là Long An và Ninh Bình. Đây cũng là kết quả của nỗ lực không ngừng trong tổ chức triển khai nhiệm vụ CCHC thời gian qua tại các địa phương này.

Việt Hoàng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/bo-tai-chinh-dung-vi-tri-thu-hai-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-nam-2018-307593.html