Bộ Tài chính: Giá cả thị trường cơ bản ổn định, không có đột biến, sốt giá

Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo nhanh tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bộ Tài chính nhận định, các địa phương cũng đã chủ động trong công tác quản lý giá thị trường, ban hành kế hoạch, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán. So với năm 2022, lượng hàng hóa dự trữ tăng nhẹ, hàng hóa đa dạng, lượng cung hàng hóa theo từng nhóm hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tin tức)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tin tức)

Không có đột biến, sốt giá

Theo quy luật hàng năm, cả cung - cầu lẫn giá cả đều tăng trong những ngày giáp Tết, tuy nhiên năm nay do nguồn cung vẫn được đảm bảo, dồi dào nhưng sức mua trong dân cho Tết giảm hơn so với những năm trước, người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, không còn tâm lý tích trữ đồ ăn trong ba ngày Tết vì một số siêu thị, đặc biệt là các trung tâm thương mại lớn mở cửa phục vụ người dân xuyên Tết, một số tiểu thương đã mở hàng từ ngày mùng 2 Tết.

“Nhìn chung giá cả thị trường Tết tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không có đột biến, sốt giá. Trong ngày mùng 2 Tết thị trường vẫn chưa sôi động, giá cả cơ bản ổn định so với trước Tết”, Bộ Tài chính đánh giá.

Tại TP HCM, ở các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ ít chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây, sức tiêu thụ khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái, có nhiều mặt hàng chưa nhập do hàng tồn đọng còn.

Tình hình thị trường tại các chợ đầu mối hiện nay chưa kinh doanh các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, nhưng lượng rau củ quả và trái cây nhập về một số chợ tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử như ở chợ đầu mối Hóc Môn, hiện chưa kinh doanh mặt hàng thịt heo, chỉ kinh doanh mặt hàng rau củ và trái cây với sản lượng nhập chợ 100 tấn, giảm 83% so ngày 30/12 Âm lịch, giảm 52% so cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 5% so ngày thường, hiện có 163 sạp (hơn 1/3 so với tổng sạp tại chợ) khai trương kinh doanh lấy ngày. Sức mua yếu, giá các mặt hàng giảm trở lại như ngày thường.

Tại Cần Thơ, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu từ chiều Mùng 01 tháng Giêng đến sáng Mùng 2 tháng Giêng cơ bản ổn định, không biến động nhiều. Một số sạp chợ đã bày bán trở lại, đa số là các mặt hàng như thịt, cá, tôm, rau, củ.

Giá các mặt hàng như gạo, thịt lợn ổn định như trước tết, rau củ tăng nhẹ, mặt hàng nước giải khát như các loại bia tăng từ 3.000đ - 5.000 đ/thùng.

Lượng khách tại bến xe Trung tâm tăng hơn so với các năm 2022. Các Công ty cung cấp dịch vụ vận tải hành khách thực hiện tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều để thực hiện tốt công tác giải tỏa hành khách nhằm phục tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023 (áp dụng từ ngày 24/01/2023 đến ngày 29/01/2023 nhằm 03/01/2023 đến ngày 08/01/2023 âm lịch), cụ thể: Bến xe Cần Thơ – Bến xe Miền Đông: 230.000 đồng/hành khách/lượt tăng 39% tùy theo từng tuyến, từng loại xe và chất lượng dịch vụ.

Tại Đà Nẵng, tình hình thị trường ngày Mùng 2 các chợ còn đóng cửa, chỉ có một số người bán hàng lẻ tẻ ở phía ngoài chợ, tập trung chủ yếu một số mặt hàng thịt heo và các loại rau xanh, củ quả. Giá thịt heo không biến động, vẫn ổn định so với những ngày trước Tết, cụ thể: thịt mông 130.000 đồng/kg, thịt vai 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ: 160.000 đồng/kg. Giá thịt bò fillet ở mức 280.000 đồng/kg.

Rau, củ, quả giảm so với 30 Tết do lượng hàng bán còn dư để lại tiếp tục bán và nhu cầu mua sắm của người dân vào thời điểm này không cao, tập trung vào các hộ gia đình thờ cúng và đưa ông bà theo phong tục.

Dự báo cầu sẽ còn tăng

Bộ Tài chính cho rằng, theo quy luật hàng năm, từ ngày mùng 3 Tết như mọi năm thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Lê Hải

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/bo-tai-chinh-gia-ca-thi-truong-co-ban-on-dinh-khong-co-dot-bien-sot-gia-d189369.html