Bộ Tài chính: Nhiều cách làm hay trong triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật

Xác định vai trò quan trọng của công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật tài chính, thời gian qua, Bộ Tài chính không ngừng triển khai nhiều cách làm hay, thực hiện hiệu quả Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11) và Ngày Pháp luật Tài chính (28/8).

Bộ Tài chính không ngừng triển khai nhiều cách làm hay, thực hiện hiệu quả Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11) và Ngày Pháp luật Tài chính (28/8). Nguồn: internet

Nhiều cách làm hay

Với vai trò của Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có phạm vi quản lý rộng, số lượng văn bản pháp luật của ngành Tài chính rất lớn trong nhiều lĩnh vực và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Do đó, công tác xây dựng và triển khai thi hành pháp luật tài chính luôn được Bộ Tài chính xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có công tác phổ biến pháp luật.

Ngay từ năm 2010, Bộ Tài chính đã triển khai Ngày Pháp luật Tài chính (28/8). Đến năm 2013, khi triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Tài chính đã gắn Ngày Pháp luật Tài chính với Ngày Pháp luật Việt Nam để triển khai đồng thời trong 1 kế hoạch chung, trong đó quy định cụ thể về nội dung, chủ đề, thời gian và hình thức triển khai.

Hằng năm, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện sớm việc xây dựng kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật. Trong đó, chủ đề của Ngày Pháp luật được Bộ lựa chọn kỹ lưỡng, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và gắn với nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật tài chính của năm; Đặc biệt là về hoàn thiện thể chế tài chính gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính. Trên cơ sở kế hoạch của Bộ, tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đã kịp thời triển khai và được lan tỏa nhanh trong toàn Ngành, đến các cơ quan tài chính ở các địa phương.

Hiệu quả toàn diện

Việc triển khai Ngày Pháp luật Tài chính và Ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Tài chính đã đạt được kết quả khá toàn diện. Trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế tài chính, số lượng văn bản pháp luật mà Bộ Tài chính chủ trì xây dựng rất lớn. Trung bình một năm, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua 4-5 dự án luật; Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 40-45 nghị định, quyết định và ban hành khoảng 200 thông tư.

Tuy khối lượng văn bản pháp luật chủ trì xây dựng rất lớn, nhưng trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội. Tỷ lệ hoàn thành chương trình công tác của Chính phủ về xây dựng các nghị định, quyết định luôn đạt khoảng 95%.

Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tài chính đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý, góp phần thúc đẩy chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những nỗ lực cải cách hành chính, trong đó có cải cách thể chế của Bộ Tài chính đã được xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Bộ Tài chính đã nhiều năm liên tục được ở tốp đầu trong số các Bộ, ngành về xếp hạng về cải cách hành chính (Par-Index)...

Để nâng cao hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Tài chính tiếp tục phát huy những cách làm và mô hình triển khai hiệu quả đã đạt được. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật, nhất là các hình thức mới phát huy hiệu quả của hệ thống công nghệ thông tin trong hoàn thiện và phổ biến chính sách.

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/bo-tai-chinh-nhieu-cach-lam-hay-trong-trien-khai-hieu-qua-ngay-phap-luat-153177.html