Bộ Tài chính tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo

Là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, nên Bộ Tài chính luôn tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ cơ sở nơi phát sinh vụ việc, không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo

Ông Phạm Văn Tình - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, nhằm không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp và kéo dài, các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện niêm yết công khai nội quy, lịch tiếp công dân đúng quy định. Đặc biệt, các đơn vị đã bố trí cán bộ tiếp công dân có năng lực, phẩm chất đạo đức, am hiểu chuyên môn và pháp luật.

Trong quý I/2023, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 438 đơn khiếu nại, trong đó có 230 đơn thuộc thẩm quyền (cơ quan Bộ Tài chính 1 đơn, hệ thống thuế 119 đơn, hệ thống hải quan 110 đơn).

Nội dung đơn thư khiếu nại tập trung chủ yếu liên quan đến việc thu thuế, ấn định thuế không đúng quy định; áp mã hàng hóa chưa chính xác, đề nghị thanh toán nợ dân; vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành và thanh toán trái phiếu doanh nghiệp (DN).

Nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo là do lập bộ thuế đầu năm xác định lại mức thuế để phù hợp với doanh thu thực tế của hộ kinh doanh, một số hộ kinh doanh không đồng ý với mức thuế được điều chỉnh dẫn tới khiếu nại cơ quan thuế.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Ở lĩnh vực hải quan, do một số DN chưa nắm bắt hết hoặc chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến xuất, nhập khẩu nên chấp hành chưa tốt dẫn đến việc bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, một số DN chưa đồng tình với quyết định xử phạt nên thực hiện khiếu nại. Sau khi cơ quan hải quan tiến hành đối thoại, giải quyết khiếu nại (có vụ việc phải giải quyết khiếu nại 2 lần), DN mới thỏa mãn, thống nhất với quyết định xử phạt.

Ở lĩnh vực chứng khoán, sự tăng trưởng đột biến của trái phiếu DN đã bộc lộ không ít rủi ro đối với các nhà đầu tư, cùng sự thiếu hiểu biết khi tiếp cận thông tin về DN phát hành trái phiếu trong bối cảnh bị mồi nhử lãi suất cao thu hút… Vì vậy, khi đến thời hạn thanh toán, DN đã không có khả năng thanh toán, hoặc ban lãnh đạo DN đã bị khởi tố, bắt giam… dẫn đến việc các nhà đầu tư gửi đơn thư đến Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị can thiệp để được DN trả lại tiền.

Ông Phạm Văn Tình cho biết, đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính đều được xử lý theo đúng trình tự thủ tục và quy định của pháp luật về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, vào sổ theo dõi, lưu trữ đơn thư, phân cấp giải quyết… Đối với công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều được tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo và xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ tiếp công dân

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, một số vụ việc mới xảy ra gần đây có thể sẽ phát sinh những đơn thư khiếu nại, phản ánh. Đơn cử như vụ việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc tập đoàn; bắt tạm giam chủ tịch Tập đoàn FLC về hành vi thao túng giá cổ phiếu; bắt tạm giam một số lãnh đạo thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát vi phạm quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, đồng thời nhiều DN đến thời hạn thanh toán trái phiếu đã phát hành…

Phát huy tốt hoạt động của đường dây nóng, hòm thư điện tử

Công tác tiếp công dân, xử lý khiếu tố, khiếu nại của ngành Tài chính đã được thực hiện tốt trong quý I/2023 khi các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành đã duy trì, thực hiện tốt hoạt động của điện thoại đường dây nóng, hòm thư điện tử và bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc, phản ánh, tố cáo của người dân. Đồng thời kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát đơn thư tại các đơn vị trực thuộc; rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu kiện kéo dài.

Các lĩnh vực nhạy cảm khác như lĩnh vực thuế liên quan đến đất đai (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản…), cũng có khả năng phát sinh việc khiếu nại, tố cáo của người nộp thuế.

Bên cạnh đó, số người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm và người được chi trả quyền lợi bảo hiểm, bồi thường trong thời gian qua rất lớn, do đó, dự kiến có thể có thêm những vụ việc khiếu nại, kiến nghị phản án, tố cáo mang tính chất phức tạp.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đưa ra phương hướng, giải pháp chủ yếu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kỳ tiếp theo. Đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ công chức và công dân với nội dung tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu.

Đồng thời, ngoài việc giải thích, phân tích cho người dân hiểu các quy định về quyền, nghĩa vụ, trình tự giải quyết, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hướng dẫn, làm rõ thẩm quyền giải quyết, các hành vi nghiêm cấm, các trường hợp khiếu nại, tố cáo không xem xét, thụ lý giải quyết.

Bộ Tài chính cũng đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cấp dưới; kiểm tra cụ thể các vụ việc khiếu nại, tố cáo đơn vị đã thụ lý; chú trọng tại địa bàn, đơn vị thường để xảy ra các khiếu kiện bức xúc, đông người.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Quý I/2023, Bộ Tài chính tổ chức tiếp 117 lượt công dân

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong quý I vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp 117 lượt công dân tại trụ sở, với 161 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Cụ thể, cơ quan Bộ Tài chính tiếp 15 lượt với 59 người; cấp tổng cục (các cơ quan tổng cục, các cục và chi cục ở địa phương) tiếp 102 lượt với 102 người: hệ thống thuế tiếp 96 lượt người; hệ thống hải quan tiếp 3 lượt người; hệ thống kho bạc nhà nước tiếp 2 lượt người; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiếp 1 lượt người.

Nội dung công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu thắc mắc về việc thu thuế, ấn định thuế không đúng quy định; đề nghị thanh toán nợ dân; đề nghị can thiệp để được doanh nghiệp trả lại tiền đã mua trái phiếu...

Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều được tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo và xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Qua công tác tiếp công dân, Bộ Tài chính đã xem xét hướng dẫn, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 43 vụ việc; trong đó cơ quan Bộ Tài chính 1 vụ việc; hệ thống thuế 39 vụ việc; hệ thống hải quan và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 1 vụ việc.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-tap-trung-giai-quyet-dut-diem-cac-vu-viec-khieu-nai-to-cao-125682-125682.html