Bộ Tài chính tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện thanh, quyết toán vốn đầu tư công

Ngày 16/6/2023, Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước tổ chức Hội nghị: 'Tọa đàm về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm'. Hội nghị đã thu hút đông đảo các đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương các tỉnh phía Bắc tham gia.

Mỗi nơi mỗi cách hiểu làm cho tiến độ giải ngân bị chậm

Tại hội nghị, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 5 tổ công tác kiểm tra các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, thách thức cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn khi tổng mức đầu tư của năm là 726.684 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022 (giai đoạn 2016-2020 vốn đầu tư công trung bình mỗi năm chỉ khoảng trên 400 ngàn tỷ đồng). Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết tháng 5/2023 tổng số vốn đầu tư công đã được phân bổ là trên 692.138 tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 707.044 tỷ đồng). Ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN từ đầu năm đến ngày 31/5/2023 trên 157.095 tỷ đồng, đạt 20,80% kế hoạch (đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 20,67% kế hoạch và đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Thách thức cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn khi tổng mức đầu tư của năm là 726.684 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022 (giai đoạn 2016-2020 vốn đầu tư công trung bình mỗi năm chỉ khoảng trên 400 ngàn tỷ đồng).

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kết quả làm việc của các đoàn kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ giải ngân 5 tháng kế hoạch vốn năm 2023 còn thấp bắt nguồn từ những tồn tại, vướng mắc chung đã được chỉ ra như: vướng mắc về giá nguyên vật liệu, về thủ tục đất đai, một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án...

Tuy nhiên, theo ông Đức, qua quá trình kiểm tra trực tiếp và trực tuyến tại một số địa phương cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công còn xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách mới chưa được cập nhật, tập huấn nên nhiều cơ quan, đơn vị có cách hiểu chưa thống nhất đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thanh, quyết toán.

Cụ thể, về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP (NĐ 99) ngày 11/11/2021, đồng thời Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC (TT 96) ngày 11/11/2021 quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Lãnh đạo Vụ Đầu tư, lãnh đạo KBNN giải đáp các khó khăn, vướng mắc tại hội nghị. Ảnh: H.T

Các văn bản này được ban hành và có hiệu lực trong thời gian nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chế độ, chính sách mới về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công cho các đối tượng áp dụng chưa thực hiện được. Theo đó, sau hơn 1 năm chính sách đi vào cuộc sống, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa kịp thời cập nhật các nội dung được ban hành, hoặc là có cách hiểu và cách làm khác nhau kéo việc giải ngân bị chậm lại.

Theo đó, ông Đức cho biết, Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư) phối hợp với KBNN tổ chức hội nghị này nhằm giải đáp và thống nhất cách hiểu, cách làm trong cả nước về các quy định mới được đưa ra tại NĐ số 99 và TT 96 nói trên.

Các đơn vị đánh giá cao việc tổ chức hội nghị

Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày, hướng dẫn về quản lý, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành. Đồng thời, các chuyên gia hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra vốn hàng năm; hồ sơ kiểm soát thanh toán vốn của dự án; thanh toán khối lượng hoàn thành; quy định riêng về quản lý, thanh toán vốn cho dự án sử dụng vốn nước ngoài; quản lý thanh toán vốn cho một số dự án đầu tư công đặc biệt; hồ sơ trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán; thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán; kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành; chế độ báo cáo...

Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự. Ảnh: H.T

Cũng tại hội nghị, Vụ Đầu tư và KBNN đã lắng nghe và giải đáp thấu đáo những vướng mắc phát sinh về quản lý tài chính đầu tư công được các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án đề cập. Các đại biểu tham dự hội nghị đều đánh giá cao các nội dung tập huấn cũng như những giải đáp, hướng dẫn cụ thể, chi tiết của các cơ quan thuộc Bộ Tài chính.

Là người trực tiếp phụ trách công tác quản lý đầu tư công của Bộ Tư pháp, bà Trần Thị Kim Phú – Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch tài chính (Bộ Tư Pháp) cho biết, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ và tất cả các bộ ngành quan tâm, là vấn đề rất nóng. “Bộ Tài chính tổ chức hội nghị này rất thiết thực, hữu ích, giúp các đại biểu đại diện cho cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư, doanh nghiệp có cơ hội nhìn nhận tổng thể, hệ thống lại những quy định quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư” – bà Phú nhấn mạnh.

Vụ Đầu tư và KBNN đã lắng nghe và giải đáp thấu đáo những vướng mắc phát sinh về quản lý tài chính đầu tư công được các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án đề cập. Các đại biểu tham dự hội nghị đều đánh giá cao các nội dung tập huấn cũng như những giải đáp, hướng dẫn cụ thể, chi tiết của các cơ quan thuộc Bộ Tài chính.

Ngoài ra, bà Phú cũng cho biết, 2 chuyên đề được báo cáo viên truyền đạt rất dễ hiểu, xúc tích, đi trực diện vào từng vấn đề, nêu được những vấn đề trọng yếu, đặc biệt NĐ 99 của Chính phủ và TT 96 hướng dẫn nghị định. Đây là 2 văn bản quan trọng hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán dự án cũng như quyết toán niên độ ngân sách năm.

Cũng đánh giá về hội nghị, ông Đặng Hồng Quang – Giám đốc KBNN Sơn La cho biết, hội nghị thật sự rất hữu ích. Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ra đời từ năm 2021 đến trước hội nghị này thì chưa có hội nghị nào được tổ chức. Trong khi đó, Nghị định số 99 bao trùm tất cả các văn bản trước đây. Hội nghị này làm rõ hơn những nội dung bao trùm của nghị định.

“Đối với Kho bạc Nhà nước Sơn La, từ năm 2021 khi nghị định đã triển khai, chúng tôi vừa làm, vừa đọc, vừa nghiên cứu, có những nội dung còn chưa rõ nhưng qua hội nghị này chúng tôi đã hiểu rõ hơn, thống nhất được cách hiểu, cách làm, hiểu rõ chi tiết các nội dung quy định cũng như các tham chiếu. Các nội dung trao đổi ở hội nghị đã tháo gỡ được những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công cho các tỉnh nói chung và Sơn La nói riêng”- ông Quang cho biết.

An Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-thao-go-cac-vuong-mac-trong-thuc-hien-thanh-quyet-toan-von-dau-tu-cong-130216.html