Bộ Tài nguyên và Môi trường: Doanh nghiệp Xuân Trường chưa có hồ sơ xin thuê đất tại Hồ Núi Cốc

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, UBND tỉnh Thái Nguyên chưa giao đất cho doanh nghiệp, do hiện nay doanh nghiệp đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định tại dự án văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc.

Như Báo gia đình và Xã hội đã thông tin về việc Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn bằng văn bản tới Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) liên quan đến các vấn đề quản lý đất đai tại các khu tâm linh tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ rõ những hạn chế trong quản lý đất đai tại Chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) và Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp (Hải Phòng).

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (ATK) Định Hóa có quy mô sử dụng đất của là 19,9 ha, trong đó thuộc xã Vạn Thọ - huyện Đại Từ là 18,0 ha; thuộc xã Phúc Tân - thị xã Phổ Yên là 1,9 ha.

Về chủ trương đầu tư và dự án đầu tư đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thông qua tại Nghị quyết số 107/NQ-HĐND ngày 24/3/2016. Trên cơ sở đó, ngày 06/7/2016, ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1674/QĐ-UBND đồng ý chủ trương cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường thực hiện dự án Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 26/4/2019, dự án được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3546/QĐ-UBND ngày 13/11/2017.

Phối cảnh dự án tâm linh Hồ Núi Cốc dự tính sẽ xây dựng. Ảnh T.L.

Phối cảnh dự án tâm linh Hồ Núi Cốc dự tính sẽ xây dựng. Ảnh T.L.

Mục tiêu là nhằm xây dựng một khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc có tầm cỡ quốc gia, quốc tế, kết hợp các loại hình du lịch mà đặc trưng cơ bản là: lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, thăm quan, nghỉ dưỡng … đáp ứng nhu cầu tâm linh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên sân khấu ngoài trời; cung cấp các dịch vụ giải trí lành mạnh cho du khách nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc, góp phần tôn tạo, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên Hồ Núi Cốc để thu hút khách thập phương và quốc tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế du lịch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Hạng mục chính của dự án gồm: Khu tháp; khu tam quan, bến thuyền; khu đền mẫu; bãi đỗ xe. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.956 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là vốn của chủ đầu tư và vốn huy động hợp pháp khác.

Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 4133/QĐ-UBND ngày 28/12/2018.

Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc là một dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư với diện tích sử dụng đất là 19,9 ha, trong đó: Đối với diện tích 9,71 ha được quy hoạch là đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có công trình Đền Gàn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã được xếp hạng.

Việc quản lý đất đai, công trình xây dựng đối với đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện theo quy định của Luật đất đai, Luật di sản; sau khi Doanh nghiệp đầu tư xây dựng xong công trình tôn giáo, tín ngưỡng sẽ bàn giao cho Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương để quản lý, khai thác, vận hành; tiền thu được từ việc công đức do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, sử dụng.

Đối với diện tích 10,19 ha quy hoạch là đất kinh doanh dịch vụ (theo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án số 1122/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên thì chủ yếu là bãi đỗ xe), doanh nghiệp sẽ phải thuê đất với Nhà nước và trả tiền thuê đất theo quy định tại Điều 56 của Luật đất đai.

Đến nay, ủy ban nhân dân tỉnh chưa giao đất cho doanh nghiệp, do hiện nay doanh nghiệp đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định.

Giá tiền thuê đất của doanh nghiệp sẽ được ủy ban nhân dân tỉnh xác định cụ thể tại thời điểm ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho doanh nghiệp thuê đất theo quy định tại khoản 3 điều 108 Luật Đất đai năm 2013.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) có chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà với các nội dung:

1. Căn cứ nào cho việc cấp hàng ngàn ha đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng... để doanh nghiệp xây chùa? Việc xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất không? Việc giao đất được tính giá như thế nào?

2. Việc kinh doanh, khai thác các công trình tâm linh (chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc...) ra sao? Doanh nghiệp xây chùa rồi hiến cho Nhà nước hay chính doanh nghiệp đứng ra khai thác để hoàn vốn và thu lãi? Chùa ấy do ai sở hữu? Tiền thu được thuộc về ai?

3. Các yếu tố môi trường có được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét ra sao khi mà hàng vạn người đến chùa thì vấn đề ẩm thực, vệ sinh dịch bệnh, an toàn giao thông... được phê duyệt như thế nào?

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-doanh-nghiep-xuan-truong-chua-co-ho-so-xin-thue-dat-tai-ho-nui-coc-20190826165237088.htm