Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tỉnh Bình Thuận báo cáo về dự án 'nằm im' suốt 20 năm

Bộ Tài nguyên và Môi Trường yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án 'nằm im' suốt 20 năm ở Bình Thuận để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai và tháo gỡ vướng mắc.

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tỉnh Bình Thuận báo cáo về dự án “nằm im” suốt 20 năm

Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có công văn số 7807/BTNMT-TTr gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan vụ việc khiếu nại của Công ty TNHH Thương mại Du lịch My My (Công ty My My).

Văn bản do Chánh Thanh tra Bộ TN-MT Lê Vũ Tuấn Anh ký có nội dung: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Văn bản số 6615/VPCP-QHĐP ngày 25.8.2023 của Văn phòng Chính phủ), giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu nại của Công ty My My về việc UBND tỉnh Bình Thuận chưa thực hiện giao tiếp hơn 8.000m2 đất trong tổng số 16.850m2 đất đã có quyết định giao đất cho Công ty để thực hiện dự án tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai được nêu tại mục 5, phần II của báo cáo số 553/BC – UBTVQH15 ngày 24.7.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc áp dụng các quy định chuyển tiếp của pháp luật liên quan đến bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội theo Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003.

Bộ TN-MT đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo bằng văn bản các nội dung liên quan dự án đầu tư của Công ty My My tại phường Phú Hài, TP. Phan Thiết; nguồn gốc đất và quá trình thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án; việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; việc giao đất trên thực địa cho Công ty My My; lý do chưa thực hiện giao tiếp hơn 8.000m2 đất; việc giải quyết khiếu nại và các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến dự án.

Bộ TN-MT yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận cung cấp bản sao (có dấu treo và lập danh mục theo thứ tự thời gian) hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các nội dung trên gửi về Thanh tra Bộ TN-MT trước ngày 20.9.2023.

Các cơ quan Trung ương đã hướng dẫn, sao không thực hiện được?

Công trình bên trong dự án đã xuống cấp theo thời gian

Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân đã có loạt bài phản ánh về Dự án “nằm im” suốt 20 năm ở Bình Thuận, liên quan đến dự án Nhà hàng ăn uống và phục hồi sức khỏe của Công ty My My.

Theo tài liệu, dự án được chấp thuận đầu tư tại văn bản số 4466/UBBT-XDCB ngày 12.12.2003 của UBND tỉnh Bình Thuận, sau đó có Quyết định 4105/QĐ-CTUBBT ngày 22.9.2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc thu hồi đất thực hiện dự án.

Ngay sau khi có văn bản giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư đã triển khai thực hiện dự án, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, đã xây dựng một số hạng mục công trình…

Tuy nhiên, trong số diện tích 16.850m2 đất dự án, đến nay Công ty mới được bàn giao 8.000m2, còn thiếu 8.850m2 đất nên việc triển khai, thực hiện dự án bị đình trệ.

Sau 20 năm, hiện khu đất dự án trở lên hoang tàn, cỏ dại mọc um tùm, các hạng mục xây dựng dở dang đã hư hỏng, gây thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư và ảnh hưởng tới sự phát triển ngành du lịch của tỉnh Bình Thuận.

Công trình xây dựng dang dở thành nơi nuôi gà

Đầu tháng 8 vừa qua, Đoàn công tác của Ban Dân nguyện do Phó Trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng làm Trưởng đoàn, cùng sự tham gia của đại diện Thanh tra Bộ TN-MT, Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đã có buổi khảo sát thực địa và làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận cùng đại diện một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận về dự án.

Đoàn công tác của Ban Dân nguyện khảo sát thực địa dự án

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh chia sẻ cảm thấy áy náy vì vụ việc này nằm trong danh mục các vụ việc tồn đọng, kéo dài của cả nước.

Theo đại diện Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, quá trình thực hiện dự án do giao thời giữa Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003 nên xảy ra nhiều vướng mắc và khiếu kiện của một hộ dân bị thu hồi đất là hộ ông Trần Thúc Dương.

Theo bản án của tòa, việc thu hồi đất là đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 nên bác yêu cầu khởi kiện của ông Trần Thúc Dương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 7 hộ dân chưa đồng ý giao đất, trong đó 6 hộ dân không khiếu kiện, khiếu nại nhưng chưa chịu giao đất vì chờ kết quả xử lý đối với trường hợp của ông Trần Thúc Dương để làm theo.

“Địa phương rất bế tắc, không biết cách nào xử lý”, đại diện Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận nói.

Đại diện UBND TP Phan Thiết cho biết, dự án đã kéo dài 20 năm, bản án liên quan tới đã có hiệu lực pháp luật. Tại các bản án, quyết định của UBND TP Phan Thiết ban hành liên quan tới dự án là đúng pháp luật và UBND TP Phan Thiết vẫn giữ nguyên, không hủy các quyết định này.

Tuy nhiên, trong các bản án không nêu về việc cơ quan nào sẽ thực hiện thi hành án. Do đó, khi Sở TN-MT hướng dẫn và UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo như thế nào thì TP Phan Thiết sẽ cùng các ngành chức năng thực hiện thi hành bản án này.

Đoàn công tác của Ban Dân nguyện làm việc với tỉnh Bình Thuận về dự án “nằm im” suốt 20 năm

Về vấn đề thi hành án, Phó Tổng Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Lực khẳng định, các quyết định hành chính mà UBND TP Phan Thiết đã ban hành, đương sự khởi kiện và tòa đã bác các yêu cầu khởi kiện của đương sự thì các quyết định của UBND TP Phan Thiết có hiệu lực thi hành và UBND TP Phan Thiết sẽ phải tự thi hành các quyết định này theo quy định của pháp luật về hành chính.

Nếu bản án kéo dài nhưng chưa thi hành xong thì sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu UBND TP Phan Thiết. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận là cấp trên của cơ quan phải thi hành án cũng có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành bản án này. Nếu không thi hành thì sẽ bị kỷ luật bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đặc biệt là có thể xử lý hình sự.

Đại diện Thanh tra Bộ TN-MT cho biết, liên quan tới dự án này, Bộ TN-MT đã có nhiều văn bản hướng dẫn về việc thu hồi đất và bồi thường. Trong đó có những văn hướng dẫn từ cách đây nhiều năm.

Dự án Nhà hàng ăn uống và phục hồi sức khỏe bị “treo” suốt 20 năm

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu vụ việc này giải quyết không đến nơi đến chốn sẽ dẫn tới việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương sẽ rất khó. Đồng thời đặt câu hỏi, đã có bản án của tòa, đã có hướng dẫn của các cơ quan Trung ương tại sao không thực hiện được?

Trưởng Đoàn công tác của Ban dân nguyện đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận phải cân nhắc về vấn đề trách nhiệm phải làm sao cho người dân đồng thuận. Yêu cầu tỉnh Bình Thuận hoàn thiện báo cáo về vụ việc gửi Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các đơn vị liên quan trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Quang Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-yeu-cau-tinh-binh-thuan-bao-cao-ve-du-an-nam-im-suot-20-nam-i343368/