Bố tàn tật, mẹ đau ốm, nữ sinh người Mường đạt 29,75 điểm vỡ vụn giấc mơ vào đại học

Gia cảnh nghèo khó cộng với việc bố bị tàn tật, chân tay co quắp và mẹ thường xuyên đau ốm, làm không đủ lo cho bữa ăn cả nhà nên dù đạt kết quả 29,75 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 nhưng em Phạm Thị Thuận (học sinh trường THPT Ngọc Lặc, Thanh Hóa) vẫn phải chấp nhận từ bỏ dở giấc mơ đại học để suy nghĩ về việc đi làm lo cho gia đình.

Tuổi thơ khốn khó

Vượt hơn 100km qua những con đường đầy sỏi đá, chúng tôi có mặt tại nhà em Phạm Thị Thuận (trú tại xã miền núi Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc) vào một buổi chiều tà.

Thấy có khách đến chơi, anh Phạm Văn Dũng (36 tuổi, bố em Thuận) vội lê đôi chân tật nguyền đi rót nước. Phía sau nhà, Thuận bỏ dở chảo cơm rang trên bếp, vội vàng tắt ga rồi mở cửa, dẫn chúng tôi vào nhà.

Nhìn sơ qua, ngôi nhà của gia đình Thuận không khác căn chòi là mấy. Với diện tích chỉ khoảng 20m2, căn nhà không có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc giường và một cái bàn đã mục.

Bên chiếc chiếu manh, anh Dũng, bố của Thuận xoa những ngón tay co quắp lại với nhau, trầm ngâm kể về lý do dẫn đến di chứng tật nguyền. “Khi anh vừa lọt lòng được 3 ngày thì bị sốt, sau đó chân tay bị co quắp bất thường không rõ lý do. Thời đó, trên miền núi không có trạm xá, nhà cũng không có tiền nên cũng không xuống xuôi chữa được”, anh Dũng nói.

Chân tay không thể duỗi thẳng, vì vậy, kể từ khi mắc bệnh, anh thường xuyên phải bò để di chuyển, điều này khiến là hai chân rất đau buốt. Khi lớn hơn, anh dùng được cây gậy sắt để chống, đỡ đi được phần nào khó khăn.

Sân giếng của gia đình em Thuận.

Sân giếng của gia đình em Thuận.

Hai số phận, một người mang di chứng tật nguyền, một người thần kinh yếu đã về chung 1 nhà. Khi mang thai Thuận, ông bà nội đã cắt cho anh chị căn bếp làm nơi để vợ chồng ăn ở. Sau đó, khi Thuận được khoảng 9 tuổi, thấy căn nhà đã cũ nát và chị Xuyên đang mang thai em Phạm Bảo Nam, ông bà đã kêu gọi anh em họ hàng dựng căn chòi như hiện tại để anh chị về sống.

Gia đình thuộc hộ nghèo, chồng lại không có sức lao động nên 4 miệng ăn trong nhà trông chờ vào 1 sào ruộng và việc đi nhặt ve chai kiếm thêm của chị Xuyên. Những lúc được mùa, cả nhà có cơm ăn, còn những lúc mất mùa, cả nhà phải rau cháo qua ngày.

Hơn 10 năm làm ruộng và đi nhặt đồng nát, sức khỏe của chị Xuyên đã yếu đi rất nhiều, không còn làm được việc nặng. Bởi vậy, vào năm 2015, được người quen chỉ dẫn, chị đã lên huyện Quan Hóa xin đi làm tại một xưởng tăm.

Biết cảnh nhà nên từ năm 6 tuổi, Thuận đã xin đi chăn bò thuê để đổi lấy những bữa ăn qua ngày. Dịp nghỉ hè lớp 7, Thuận xin lên xưởng tăm của mẹ đi làm để có tiền phụ giúp gia đình.

Căn bếp được lợp bằng lá cọ rất đơn sơ.

Đến năm 2016, xưởng này chuyển ra Hà Nội nên chị Xuyên đi theo. Vì sức khỏe yếu và tiền lương phụ thuộc số lượng sản phẩm, thế nên, mỗi tháng, chị chỉ làm được khoảng 2-3 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí, mỗi tháng, chị com cóp được khoảng vài trăm để gửi về, có tháng thì không gửi được đồng nào.

“Trước kia, khi chưa có dịch thì tiền mẹ gửi đủ mua thuốc cho bố với đong gạo cho hai chị em. Mấy tháng nay, Hà Nội dịch kéo dài nên xưởng của mẹ cũng bữa nghỉ, bữa không nên mẹ không có tiền gửi về. Em hy vọng, trong thời gian tới, dịch bệnh sớm được khống chế để mẹ có thể đi làm lại”, Thuận chia sẻ.

Vượt lên nghịch cảnh

Được biết, do hoàn cảnh của hai bên ông bà nội ngoại cùng anh em họ hàng đều khó khăn nên từ trước đến nay cũng không hỗ trợ được gì nhiều ngoài cân gạo hay củ khoai, củ sắn. Biết vậy nên từ số tiền mẹ gửi về và 405.000đ tiền hỗ trợ tàn tật của bố, những năm qua, Thuận đã học cách chi tiêu để lo liệu đủ cho em và mình ăn học, cùng với đó là lo cơm nước trong gia đình.

Bữa chiều của gia đình Thuận chỉ có chảo cơm rang cùng ít rau luộc.

Từ ngày mẹ vắng nhà, Thuận có nhiệm vụ chăm sóc cho bố và em trai nhỏ, tự lo việc học. Một năm, nếu trong nhà có việc thì chị Xuyên về khoảng 2-3 lần, còn không có việc thì đến Tết chị mới về.

Suốt 12 năm qua, dù bụng không no nhưng em chưa bao giờ ngừng chăm chỉ. Nhìn xấp giấy khen treo trên tường, có thể thấy, Thuận đã rất cố gắng để duy trì danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

“Hồi ở nhà ông nội không có bàn nên em mang đèn sách đặt lên giường để học, từ đấy cũng thành quen luôn. Ở trường, biết hoàn cảnh em khó khăn nên các bạn và thầy cô cũng nhiệt tình giúp đỡ”, Thuận tâm sự.

Bằng khen học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của Thuận được dán kín một mặt tường trong nhà.

Những năm tới lớp, ngoài sổ hộ nghèo được miễn giảm học phí, các thầy cô trong trường cũng thường xuyên kêu gọi và hỗ trợ để em nhận được các học bổng.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thuận đã có một quyết định khá bất ngờ khi không đăng ký các nguyện vọng vào đại học mà chỉ thi để lấy tấm bằng tốt nghiệp.

Phát hiện sự việc, cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm của Thuận đã đã động viên và đăng ký nguyện vọng cho em vào trường Đại học Hồng Đức với ngành Sư phạm Lịch Sử và Sư phạm Ngữ Văn vì cô biết em đam mê với nghề giáo.

Thuận vừa là mẹ, vừa là chị của em trai trong khoảng thời gian mẹ vắng nhà.

Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, Thuận đạt 27 điểm khối C1 trong kỳ thi vừa rồi. Trong đó, Ngữ Văn em đạt 8,5 điểm; Lịch sử 8,5 điểm và Giáo dục công dân 10 điểm (tính cả điểm cộng vùng và dân tộc em đạt 29,75 điểm).

“Mẹ không nuôi được con học đại học, mẹ xin lỗi”

Vui mừng tột độ vì đạt điểm cao, Thuận chạy ùa về nhà ôm lấy cổ bố rồi cả hai bố con nhấc máy điện thoại báo tin vui cho mẹ.

“Cả nhà nói chuyện rất vui, mẹ cũng gửi lời chúc mừng đến em vì đạt kết quả thi tốt. Nhưng càng nói dài, giọng mẹ càng nghẹn lại vì mẹ biết không thể nào kiếm đủ tiền để nuôi em học đại học. Mẹ khóc, mẹ xin lỗi vì sự bất lực của mình rồi em cũng khóc, và bố em cũng vậy”, Thuận nước mắt rưng rưng, nhớ lại ngày gọi điện cho mẹ.

Mong ước trở thành giáo viên của Thuận có nguy cơ vỡ vụn vì gia đình không thể kham nổi khoản học phí lớn.

Xuyên suốt câu chuyện dài, Thuận không một lời oán thán mẹ vì em hiểu, những năm qua, mẹ đã phải gồng mình để nuôi nấng hai chị em ăn học.

“Ước mơ của em là được làm giáo viên, em thích dạy Sử hoặc Văn. Tuy vậy, em hiểu hoàn cảnh của gia đình không cho phép em đi học được nữa, nếu em còn cố chấp thì sẽ làm khổ mọi người. Bởi vậy, em cũng đang suy nghĩ đến việc đi làm nhưng cũng hơi lo vì em thấp bé quá”, Thuận cười nói.

Ngồi bên cạnh lắng nghe những suy nghĩ trưởng thành của con, anh Dũng không kìm được sự xúc động: "Tôi rất tự hào vì kết quả thi của cháu, nhưng cũng rất buồn vì không lo được cho nó đi học. Dù bị tàn tật, ít chữ nhưng tôi vẫn hiểu, nếu có được cái nghề, nó sẽ không phải đi làm nương, gánh củi, sẽ thoát được cảnh nghèo khó như chúng tôi”.

Chân và tay anh Dũng bị co quắp, bởi vậy đi lại rất khó khăn.

Từ ngày biết cháu Thuận đạt điểm cao nhưng có nguy cơ lỡ bước vào giảng đường đại học, cô Phạm Thị Hoan (52 tuổi, hàng xóm gia đình em Thuận) lộ rõ vẻ ưu phiền: “Mấy năm qua, mẹ cháu vắng nhà nên tôi cũng thường xuyên giúp nó đi chợ. Vì hiểu rõ cảnh nhà nên mỗi khi nó hết gạo là tôi lại cho, hoặc có thêm củ quả gì tôi cũng thường mang sang. Cháu Thuận thì rất ngoan, học giỏi, nhiều đêm tôi còn thấy cháu học bật đèn cho tới sáng. Vì thế, cứ nghĩ đến việc cháu phải bỏ dở việc học vì nhà nghèo là tôi cũng không sao kìm nén được cảm xúc của mình. Tôi muốn làm được một việc gì đó để giúp cháu có thể tiếp tục chặng đường đèn sách nhưng thực sự bất lực”.

Theo cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm của Thuận thì từ khi biết kết quả thi, cô cùng các thầy cô trong trường đã liên tục động viên và tìm cách kêu gọi ủng hộ để hỗ trợ kinh phí bước đầu cho em nhập học.

“Thuận cũng nhiều lần bày tỏ với mình chuyện nên đi học tiếp hay dừng lại để đi làm phụ giúp bố mẹ. Mình thì cũng hiểu trong thâm tâm em luôn muốn thực hiện ước mơ làm giáo viên, nhưng do hoàn cảnh nghèo khó nên em mới phải làm như vậy. Nhìn những cố gắng, nỗ lực suốt bao năm qua của em, các thầy cô trong trường thực lòng không nỡ để em dừng bước trước giảng đường”, cô Vân bày tỏ.

Suốt nhiều năm qua, Thuận vừa phải cân bằng việc học, vừa phải lo cho bố và em trai.

Ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch xã Cao Ngọc cho biết, gia đình em Thuận hiện đang là hộ nghèo trong xã, khi biết được thông tin em không có tiền đi học, xã cũng đã đấu nối với ngân hàng chính sách để giúp gia đình em vay vốn. “Bố em ấy thì bị tật tàn tật, mẹ thì đi làm xa, hoàn cảnh rất khó khăn. Khi biết được thông tin em có nguy cơ phải bỏ dở việc học vì không có kinh phí, chúng tôi cũng đã đến thăm, động viên và đấu nối với Ngân hàng chính sách để gia đình vay vốn. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ để con đường học vấn của em Thuận không bị đứt gánh giữa đường”, ông Hà chia sẻ.

Nhìn hình ảnh cô bé cao 1m49, nặng 34kg khuất xa, chúng tôi quay đi mà lòng nặng trĩu khi nghĩ về tương lai của mù mịt đang chờ đợi em ấy. Rất mong, khi bài viết này đến được với bạn đọc sẽ có những tấm lòng thơm thảo dang rộng vòng tay chia sẻ khó khăn đối với gia đình anh Dũng để cô học trò nhỏ bé có tinh thần hiếu học sẽ được tiếp bước đến giảng đường đại học, thực hiện được ước mơ trở thành một cô giáo sau này.

Mọi sự giúp đỡ xin liên lạc với em Phạm Thị Thuận, số điện thoại: 0989745363, tài khoản: 3510205350364, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Hoặc Báo Đại Đoàn Kết, số 66, Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: 0243.8228303, số tài khoản: 113000001720, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TP Hà Nội.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bo-tan-tat-me-dau-om-nu-sinh-nguoi-muong-dat-2975-diem-vo-vun-giac-mo-vao-dai-hoc-5662041.html