Bộ Thông tin Truyền thông: Đồng hành đấu tranh với thông tin xấu độc

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử hoan nghênh loạt bài Thấy gì qua một vụ bê bối mạng xã hội trên báo Tiền Phong và khẳng định sát cánh đồng hành với các cơ quan báo chí góp phần làm trong sạch mạng xã hội.

Ông Lê Quang Tự Do. Ảnh: Như Ý.

Ông Lê Quang Tự Do cũng muốn đề cập một số vấn đề trong quản lý mạng xã hội hiện nay.

THIẾU CÔNG CỤ QUẢN LÝ HIỆU QUẢ

Hiện nay, ở nước ta đang tồn tại 02 loại mạng xã hội:

- Một là các mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động (hiện có 410 mạng), bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, như: Otofun, webtretho, lamchame, tinhte…

- Hai là các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động không cần có giấy phép (vì không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam), như: Facebook, You tube, Instagram, Twitter… Tại Việt Nam, Facebook (FB) có 60 triệu user, Youtube có 45 triệu.

Quản lý mạng xã hội ở Việt Nam hiện có một số bất cập hạn chế. Các quy định của pháp luật chủ yếu quản lý chặt chẽ các trang mạng xã hội trong nước do Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ TTTT) cấp phép. Trong khi đó, các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thì chưa có các quy định quản lý thật sự hiệu quả. Các trang mạng này quản lý nội dung chủ yếu theo các chính sách cộng đồng của họ, trong khi những chính sách này có sự khác biệt so các quy định pháp luật của Việt Nam, nhất là về vấn đề quản lý nội dung, quảng cáo và thuế. Vì vậy, trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy nhiều tin đồn, tin giả, thông tin thất thiệt, các hoạt động quảng cáo phạm pháp (như quảng cáo vũ khí, tiền giả, buôn bán động vật quý hiếm...) xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội nước ngoài này, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích cộng đồng và người sử dụng Internet tại Việt Nam.

Vì vậy, để quản lý hiệu quả, cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, ví dụ như cần phải quy định các trang mạng xã hội nước ngoài có đông người dùng và có hoạt động kinh doanh, quảng cáo tại Việt Nam phải thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam; cũng như cần có các biện pháp lưu trữ dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam trên các mạng xã hội nước ngoài này.

NHÀ BÁO THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các cơ quan báo chí, các nhà báo tham gia mạng xã hội ngày càng nhiều, qua đó góp phần đưa thông tin chính thống, tích cực đến người dùng mạng xã hội, đẩy lùi những tin đồn, thông tin thất thiệt lan tràn trên mạng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn hiện tượng một số nhà báo bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội khác, thậm chí là trái ngược, với quan điểm mà họ viết trên mặt báo, chính danh hoặc ẩn danh.

Vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 quy định về đạo đức, ứng xử của người làm báo, trong đó có Điều 5 quy định về việc nhà báo khi tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm và chuẩn mực, là để điều chỉnh, ngăn chặn hiện tượng nói trên. Tuy nhiên, quy định này chưa cụ thể nên thực tế triển khai còn nhiều khó khăn, lúng túng. Vì vậy, rất cần có bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp cụ thể đối với của người làm báo khi tham gia mạng xã hội.

Bên cạnh đó, quản lý mạng xã hội hiện cần sự phối hợp của nhiều bộ, nhiều cơ quan. Bộ TTTT đang tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quản lý; Ngân hàng nhà nước tập trung kiểm soát thanh toán trên mạng, thu thuế đối với kinh doanh qua mạng; Bộ Công Thương quản lý kinh doanh trên các nền tảng mạng; Bộ Công An hoàn thiện công cụ xử lý đối tượng vi phạm. Một việc quan trọng là cùng với quản lý, còn cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội nói chung và Internet nói riêng. Họ cần được trang bị sự hiểu biết, kỹ năng, tìm hiểu luật để tự vệ khi bị làm hại trên mạng xã hội.

Nhóm phóng viên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/bo-thong-tin-truyen-thong-dong-hanh-dau-tranh-voi-thong-tin-xau-doc-1271946.tpo