Bỏ thuốc bác sĩ kê, dùng thuốc nam chữa đau xương khớp, người bệnh nhận... 'trái đắng'

Hiện nay, có nhiều loại thuốc được quảng cáo có công dụng giúp giảm đau nhức xương khớp, thậm chí có thể chữa khỏi các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp… Tuy nhiên, hãy cảnh giác vì có thể những sản phẩm này có chứa corticoid, gây hại.

ThS. BS. Nguyễn Thị Bảo Thoa, Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai

ThS. BS. Nguyễn Thị Bảo Thoa, Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai

1. Ngộ độc do bỏ thuốc bác sĩ, chuyển sang dùng thuốc nam chứa corticoid kéo dài trị đau xương khớp

Theo ThS. BS. Nguyễn Thị Bảo Thoa, Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, các loại thuốc này thường không có nguồn gốc, thành phần rõ ràng, có nguy cơ cao trộn lẫn cùng corticoid liều cao, giúp người bệnh giảm triệu chứng đau rất nhanh chóng, nhưng để lại hệ lụy lâu dài và hết sức nặng nề.

Trong thời gian gần đây có rất nhiều bệnh nhân ngộ độc corticoid do sử dụng những loại thuốc nêu trên kéo dài, ThS. BS Nguyễn Thị Bảo Thoa cho biết.

Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân N.V.B. (55 tuổi, Lai Châu). Dù đã được thăm khám và bác sĩ kê đơn thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp từ năm 2020, nhưng do không kiên trì tái khám, được người quen giới thiệu, anh đã chuyển sang dùng thuốc nam.

Qua khai thác bệnh sử, được biết thời gian đầu sử dụng thuốc nam, các triệu chứng đau nhức thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, khi ngừng thuốc cơn đau tái phát, lâu dần dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc.

Sau hơn 1 năm dùng thuốc nam kéo dài, anh B phải nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, nặng mặt, phù tay chân, da mỏng dễ xuất huyết... Sau khi thăm khám, anh B được chẩn đoán ngộ độc corticoid do sử dụng thuốc nam kéo dài.

1. Corticoid là gì?

Corticoid là hormone được sản xuất bởi hai tuyến thượng thận.

Trong điều trị, thuốc corticoid có ba tác dụng chính là chống dị ứng bằng cách ngăn chặn phản ứng dị ứng, kháng viêm và ức chế miễn dịch.

Do vậy, thuốc corticoid có thể được chỉ định trong điều trị một số bệnh lý như suy thượng thận (điều trị thay thế thiếu hụt hormone), một số bệnh lý xương khớp, viêm ở mắt, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, mề đay và các dị ứng khác như sốc phản vệ...

2. Tác hại khi sử dụng corticoid kéo dài

Sử dụng corticoid kéo dài có thể gây ra nhiều hệ quả khó lường như:

2.1 Biến chứng sớm

Trên hệ tiêu hóa: Sử dụng corticoid kéo dài có thể gây viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày - tá tràng, và thậm chí là xuất huyết tiêu hóa. Những biến chứng này thường gặp khi người bệnh dùng phối hợp cùng thuốc kháng viêm không steroid.
Trên hệ thần kinh: Xảy ra khi sử dụng corticoid liều cao.
Nhiễm trùng: Do tình trạng ức chế miễn dịch làm giảm sức đề kháng của cơ thể; có thể bùng phát lao tiềm ẩn trước đó hoặc gặp tình trạng nhiễm virus như zona, thủy đậu, herpes trở thành cấp tính; nhiễm nấm candida, aspergillus...

2.2Biến chứng muộn

Trên da: Da mỏng, dễ bị bầm tím, xuất huyết khi va đập nhẹ...

Trên xương: Sử dụng corticoid liều cao trong một thời gian dài sẽ làm ức chế sự phát triển xương và sụn, dẫn tới chậm phát triển chiều cao, thấp còi ở trẻ em. Đối với người trưởng thành gây ra loãng xương và mất xương.
Tại mắt: Tăng nhãn áp...

2.3 Các biến chứng khác

Một số biến chứng muộn khác có thể gặp ở bệnh nhân điều trị bằng corticoid như:

Rối loạn chuyển hóa: Rối loạn lipid máu, tăng đường huyết, nguy cơ mắc đái tháo đường.

Rối loạn kinh nguyệt.

Rối loạn điện giải: Kiềm chuyển hóa, hạ kali máu...

Lạm dụng corticoid có thể gây ra những hệ quả khó lường.

2.4 Biến chứng khi ngừng thuốc đột ngột

Sau khi ngừng sử dụng corticoid, bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng suy tuyến thượng thận. Đây là một trong những hệ lụy do ngưng thuốc corticoid đột ngột khi đang sử dụng hoặc lạm dụng corticoid. Tình trạng này thường gặp do thói quen tự mua thuốc có chứa corticoid về dùng nhưng không đúng cách.

Suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid có những triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, nôn, tiêu chảy, sốt, đau đầu, tụt huyết áp…

3. Một số lưu ý trong điều trị các bệnh xương khớp

Để điều trị hiệu quả các bệnh lý xương khớp nói chung, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế uy tín. Tại đây, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp thăm khám và kê đơn thuốc điều trị đúng bệnh.

Người dân không nên tự ý mua các loại thuốc nam được quảng cáo trên mạng vì có nguy cơ lạm dụng corticoid gây hậu quả khó lường.

Các loại thuốc corticoid chỉ nên sử dụng khi có đơn của bác sĩ và cần tuân thủ điều trị, giảm liều từ từ để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-thuoc-bac-si-ke-dung-thuoc-nam-chua-dau-xuong-khop-nguoi-benh-nhan-trai-dang-169230317174013585.htm