Bộ tộc Guna với những nét truyền thống độc đáo

Quần đảo Guna Yala, Panama với hơn 300 hòn đảo lớn nhỏ là nơi sinh sống của bộ tộc Guna. Với bản sắc văn hóa riêng, bộ tộc Guna nổi tiếng là hiếu khách và thân thiện, luôn chào đón khách du lịch với các trang phục truyền thống sặc sỡ. Hiện nay, trước các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển tăng cao, vẫn có khoảng 50.000 người Guna sống trên quần đảo Guna Yala.

Phụ nữ Guna trong trang phục truyền thống. Ảnh: EXPEDITIONS

Theo các tài liệu lịch sử ghi nhận, nhiều thế kỷ trước, người Guna đã di cư từ Trung Mỹ đến Nam Mỹ và định cư chủ yếu ở Panama và Colombia. Các cuộc di cư của người Guna một phần do chiến tranh với các bộ tộc bản địa và một phần do yếu tố khí hậu khắc nghiệt của vùng Trung Mỹ.

Ở mỗi cộng đồng tại các làng, bộ tộc Guna đều có một thủ lĩnh tên gọi “Saila”. Saila vừa là thủ lĩnh về mặt chính trị và thủ lĩnh tôn giáo; người này cần phải thuộc các bài hát dân gian kể về lịch sử linh thiêng của bộ tộc Guna. Bên cạnh đó, các quyết định được đưa ra trước cộng đồng đều phải thông qua nhóm bô lão tên gọi “Onmaked Nega” – nhóm điều hành các vấn đề chính trị và xã hội hằng ngày của cộng đồng. Người Guna gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên; vì thế, các bài hát truyền thống truyền miệng phong phú của họ đều mô tả vẻ đẹp, sự hùng vĩ của gió, đất và biển. Bộ tộc Guna tin vào Chúa, thiên nhiên và vũ trụ. Theo tôn giáo của người Guna, thế giới do một vị Chúa tên “Paba Tummat” và người Mẹ “Nan Tummat” tạo nên.

Trước đây, các gia đình Guna theo chế độ mẫu hệ. Chú rể sẽ đến sống với gia đình cô dâu sau khi kết hôn và chú rể cũng sẽ đổi theo họ của cô dâu. Ngày nay, các cặp vợ chồng mới cưới sẽ ra ở riêng, không ở chung với bố mẹ hai bên. Ở các thế hệ trước, các hộ gia đình Guna có quy mô trung bình từ 7 đến 12 người, nhưng ngày nay, các hộ gia đình thường chỉ có khoảng 5 người.

Phụ nữ Guna thường trang điểm bằng một đường kẻ đen vẽ từ trán đến chóp mũi, mặc váy quấn và áo ngắn màu sắc rực rỡ, đầu trùm khăn in hình truyền thống. Trái ngược hoàn toàn với trang phục cầu kỳ của phụ nữ, đàn ông Guna mặc đơn giản quần và áo sơ mi.

Người Guna nổi tiếng với những mảnh vải thêu màu sắc có tên gọi “mola”. Các tài liệu sử học cho biết, vào thế kỷ 16, phụ nữ Guna đã chăm chút cho vẻ bên ngoài với những bức vẽ cầu kỳ trên tay chân, đeo vòng cổ, khuyên mũi và váy được dệt từ vỏ cây. Đến giữa thế kỷ 18, những người châu Âu đã mang vải đến để trao đổi hàng hóa với người Guna. Từ đó, phụ nữ Guna bắt đầu biết nhuộm vải từ các màu lấy từ tự nhiên. Các tấm vải được thêu hình khối đặc biệt bằng kỹ thuật thêu “applique”. Đây là kỹ thuật thêu đính bằng cách gắn những miếng vải nhỏ vào một tấm vải lớn hơn với màu sắc và kết cấu đối lập. Họa tiết phổ biến trên các tấm vải “mola” gồm hoa, chim, cá và các sinh vật biển khác. Những trang phục thêu đính thể hiện tính nghệ thuật và văn hóa quan trọng trong cộng đồng người Guna.

Kinh tế của người Guna dựa trên các ngành nghề nông nghiệp, đánh cá, thêu vải truyền thống. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu quan trọng của người Guna là chuối, dừa và tôm hùm. Mỗi năm, người Guna thu hoạch hơn 30 triệu quả dừa. Ngoài xuất khẩu nguyên trái, người Guna còn sản xuất các sản phẩm từ dừa như bánh, kẹo, dầu gội đầu. Cộng đồng bộ tộc Guna có lịch sử lâu đời về chủ nghĩa trọng thương và truyền thống bán hàng hóa lâu đời thông qua các doanh nghiệp do gia đình sở hữu. Ngoài ra, hằng năm, các cộng đồng người Guna sẽ thảo luận và ấn định giá bán dừa để tránh việc phá giá. Do đó, người Guna được đánh giá là có thể buôn bán độc lập và thành công hơn so với các nhóm bản địa khác. Những năm gần đây, việc buôn bán và giới thiệu vải “mola” cùng các gói du lịch giới thiệu nghệ thuật truyền thống khác đang trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế của người Guna.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-toc-guna-voi-nhung-net-truyen-thong-doc-dao-post461419.html