Bộ Tổng Tham mưu - truyền thống hào hùng, chiến thắng vẻ vang

Hội thảo khoa học 'Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1945-2020)', là một trong những hoạt động trọng điểm, thiết thực hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (7-9-1945/7-9-2020), được Bộ Tổng Tham mưu tổ chức sáng 26-8 tại Thủ đô Hà Nội.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội thảo. Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP): Đại tướng Phạm Văn Trà và Đại tướng Phùng Quang Thanh. Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng BQP; Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng; Trung tướng Lê Huy Vịnh, Phó tổng Tham mưu trưởng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an. Tham dự hội thảo còn có Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo BQP; BTTM; Tổng cục Chính trị; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu các tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Ban tổ chức đã nhận được gần 90 tham luận khoa học gửi về hội thảo.

Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu tại hội thảo.

“Vắt óc tìm mưu” đánh và thắng giặc

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong tình thế đất nước thù trong, giặc ngoài “ngàn cân treo sợi tóc”, để có một cơ quan tham mưu cho Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh những vấn đề về chiến lược quân sự, ngày 7-9-1945, Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập BTTM. Đại tướng Hoàng Văn Thái, được chỉ định là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam.

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Phan Văn Giang đã nêu bật những nét cơ bản về lịch sử, truyền thống vẻ vang của BTTM. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng khẳng định: Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BTTM luôn luôn xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ và Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và BQP, BTTM đã chỉ đạo, điều hành LLVT cả nước tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tiếp đó, BTTM đã chỉ đạo, điều hành LLVT cả nước tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia... Gắn liền với lịch sử ra đời, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta, BTTM luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của Quân đội và nhân dân...

Nêu rõ mục đích, ý nghĩa và những nội dung các đại biểu tập trung tham luận, trong báo cáo đề dẫn hội thảo, Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng, Bí thư Đảng ủy BTTM - Cơ quan BQP khẳng định: Hội thảo lần này là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang, khẳng định và tôn vinh những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng BTTM đã không tiếc công lao, trí tuệ và máu xương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây đắp nên truyền thống vẻ vang của BTTM: “Trung thành, mưu lược, tận tụy, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng, quyết chiến, quyết thắng”; đồng thời đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu vận dụng vào xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó trong thời kỳ cách mạng mới.

Là người trưởng thành trong chiến đấu, với nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo chỉ huy tác chiến, Đại tướng Phạm Văn Trà đã phân tích, làm rõ những thành tích xuất sắc của BTTM trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, BTTM luôn nắm chắc tình hình, dự báo chính xác, có cách đánh và các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn từ tháng 1-1994 đến tháng 9-1997, ông được trực tiếp đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào xây dựng BTTM vững mạnh, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược về quân sự-quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đại tướng Phạm Văn Trà nhấn mạnh, trong thời gian tới, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, BTTM phải thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo sớm, sát đúng các tình huống chiến lược có thể xảy ra, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, BQP đề ra những chủ trương đúng đắn, chủ động đối phó thắng lợi mọi tình huống.

Trên cơ sở các dữ liệu lịch sử, cộng với phương pháp luận giải khoa học và chặt chẽ, GT, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã khẳng định rõ thêm tầm cao trí tuệ của cơ quan tham mưu chiến lược. Trong 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng, mỗi chiến dịch lớn, mỗi đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược, tạo nên bước ngoặt của chiến tranh là biểu hiện cao tầm trí tuệ của dân tộc, được tựu trung ở cơ quan Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, ở BTTM - cơ quan “vắt óc tìm mưu đánh giặc”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BTTM vừa là cơ quan tham mưu đề xuất vừa là cơ quan tổ chức chỉ huy, điều hành, đặc biệt là trong các chiến dịch lớn tạo nên bước ngoặt trong chiến tranh và trên các địa bàn quan trọng, có ý nghĩa chiến lược; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN...

Trung tướng Phùng Sĩ Tấn trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo.

Trung thành, mưu lược để chiến thắng

Với sự nghiên cứu công phu và thực tiễn phong phú, trong Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, chứng minh, khẳng định làm sâu sắc thêm về những đóng góp to lớn, xuất sắc của BTTM trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tham luận của Thiếu tướng TS Nguyễn Hoàng Nhiên; Đại tá PGS, TS Nguyễn Văn Sáu; GS, TS Đinh Xuân Dũng và Đại tá TS Lê Thanh Bài... đã đi sâu phân tích, làm rõ về sự chỉ đạo chiến lược của BTTM trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Các đại biểu khẳng định, BTTM đã chủ động nắm bắt, đánh giá sát đúng tình hình địch, ta; đề ra phương án xây dựng, củng cố và phát triển LLVT ba thứ quân, xây dựng căn cứ, hậu phương kháng chiến; tổ chức nghiên cứu tìm ra các biện pháp tác chiến sáng tạo, phù hợp, từng bước nâng quy mô tác chiến tương ứng với sự phát triển cả về lượng và chất, về trình độ kỹ chiến thuật của LLVT, chuyển thế trận từ phòng ngự sang cầm cự, phản công và tổng phản công. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, BTTM đã chỉ đạo, chỉ huy quân dân Bắc vĩ tuyến 16 chiến đấu kìm chân địch trong các đô thị trong thời gian dài, làm thất bại một bước âm mưu giành thắng lợi nhanh chóng của địch. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cơ quan tham mưu chiến lược đã phát huy vai trò trong tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; chỉ huy, chỉ đạo quân dân trên các chiến trường thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự đầy tham vọng của thực dân Pháp, đưa thế và lực của kháng chiến ngày càng lên cao, đẩy kẻ xâm lược ngày càng lún sâu vào bị động đi đến chấp nhận thất bại hoàn toàn ở Điện Biên Phủ.

Với những tư liệu, sự kiện điển hình, những luận giải sâu sắc, logic và thuyết phục, tham luận của các đại biểu đã khẳng định thành quả to lớn của BTTM trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, phải đối đầu với thế lực quân sự bậc nhất thế giới nhưng với bản lĩnh vững vàng, quán triệt và thực hiện sáng tạo đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà của Đảng, BTTM đã tập trung trí tuệ, “bày mưu, tính kế”, chỉ huy quân dân hai miền lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, làm chỗ dựa cho cách mạng miền Nam tiến công Mỹ, ngụy, làm nên những thắng lợi “rung chuyển” như Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, tiến công chiến lược 1972, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ,… buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân về nước. Khi thời cơ xuất hiện, BTTM đã chỉ huy tập trung lực lượng, kiên quyết tiến công, góp phần để Bộ Chính trị chỉ đạo quân và dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức vang dội. Trong chiến công của toàn dân tộc có sự đóng góp không nhỏ của BTTM.

Quang cảnh hội thảo.

Trọng trách lớn, nhiệm vụ vẻ vang

Bằng những kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo, chỉ huy, những tư duy, phương pháp phân tích khoa học và trách nhiệm cao, tham luận của các đại biểu cũng đã tập trung luận giải khá toàn diện trọng trách và sứ mệnh vẻ vang của BTTM trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Các đại biểu thống nhất cho rằng, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, BTTM triển khai việc rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, biên chế cho phù hợp với điều kiện thời bình. Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, BTTM đã thường xuyên theo dõi tình hình có liên quan đến công tác quân sự, quốc phòng, an ninh, để tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, BQP xử lý đúng, kịp thời các tình huống; chỉ đạo, duy trì các lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thường xuyên; chủ động nghiên cứu đề xuất bổ sung điều chỉnh các kế hoạch, quyết tâm chiến đấu; tăng cường củng cố thế trận phòng thủ trên các vùng, địa bàn chiến lược; triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Đồng thời chỉ đạo toàn quân chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt đã tham mưu hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, tạo niềm tin chiến lược đối với bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; cùng với toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh chung. Ảnh: Phạm Hưng.

Thay mặt Bộ Công an, tham luận tại Hội thảo, Thượng tướng Bùi Văn Nam nhấn mạnh vai trò đóng góp to lớn của BTTM trong việc tham mưu tăng cường phối hợp giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong thời kỳ đổi mới. Đồng chí cho rằng, QĐND và CAND phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân là nền tảng vững chắc cho thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...

Phát biểu kết luận, Thượng tướng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn các đại biểu đã về dự và gửi tham luận về Hội thảo. Đồng chí khẳng định, với những tư liệu, sự kiện được sưu tầm và chọn lọc kỹ lưỡng, công phu, cách lập luận chặt chẽ, khoa học, các tham luận đã đề cập khá toàn diện về sự ra đời, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BTTM. Hội thảo một lần nữa làm sâu sắc hơn giá trị của những chiến công, bài học của chiến thắng, ý nghĩa thắng lợi của BTTM suốt ba phần tư thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đồng thời, đúc rút ra những bài học hay, kinh nghiệm quý, là cơ sở quan trọng để cơ quan tham mưu chiến lược tiếp tục vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; chỉ đạo, chỉ huy xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

DUY ĐÔNG - VIỆT CƯỜNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/bo-tong-tham-muu-truyen-thong-hao-hung-chien-thang-ve-vang-632682