Bờ tre sau nhà

Trước đây ở quê tôi nhà nào cũng trồng một bờ tre. Bờ tre giống như mốc để phân chia ranh giới giữa nhà này với nhà khác, giữa ranh đất này với đất hàng xóm.

Tre là loài cây không kén đất trồng, có thể mọc và xanh tốt quanh năm dù ở bất cứ nơi đâu, bờ ao, đất cằn cỗi hay thời tiết khắc nghiệt nhất. Chỉ cần một đoạn tre già cắm vào đất rồi đắp lên một vài lớp đất sét, sình non thì khoảng mười ngày sau những mầm măng xanh mướt đã nhô lên mà không cần chăm bón, tưới nước.

Người dân quê tôi thường trồng tre ven bờ ao để giữ đất, ngăn nước xói mòn, che bóng mát. Hữu ích hơn, tre được trồng để lấy thân làm ra nhiều vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình. Trong các vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình hàng ngày của người dân quê tôi trước đây hầu như chưa bao giờ vắng bóng cây tre, từ cột nhà, giường nằm, võng, sào, cần câu… đến rế lót nồi cơm hay đôi đũa, cái muỗng.

Hàng tre sau nhà.

Ba tôi không phải thợ mộc nhưng ông luôn có đầy đủ búa, cưa, đục, mác để dùng đốn, đẽo, đục tre… và làm nhiều vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày, má tôi không phải ra chợ mua.

Vào khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm, ba tôi chặt tre sau nhà. Những cây tre già, to đều, thẳng tắp được ba làm cột, đòn tay cất nhà. Để có mái nhà tre chắc, đẹp, ba tôi gom từng thân tre già ưng ý, dành dụm mùa này qua mùa khác rồi ngâm dưới mương nước cạnh nhà để phòng tránh mối, mọt, đến khi đủ số lượng mới vớt lên cất nhà mới. Đối với những cây tre xấu, không ưng ý ba chặt nhánh, đo ni, chẻ ra từng thanh nhỏ dùng để đan lợp, vót cần câu bắt cá.

Kinh nghiệm của ba tôi và các lão nông trong xóm về lý do chọn thân tre vào tháng 9 là vì đây là lúc cây tre chắc khỏe nhất, có thể vì nó vượt qua cái nắng như lửa đốt của mùa hè khắc nghiệt nên cứng rắn chứ không non mềm như độ mới xuân sang. Tre ba tôi trồng sử dụng quanh năm. Hàng xóm thường xuyên đến xin vài cây tre để làm sào, vót đũa, bó câu để bắt cá.

Tre của ba tôi trồng còn một công dụng nữa là làm thực phẩm ngon, hấp dẫn. Từ bờ tre ấy nếu được phủ lên lớp đất, sau một thời gian sẽ sản sinh ra những mầm măng, nếu không đào về nấu canh thì sẽ nhanh có một cây tre non. Tranh thủ lúc tre còn măng non, vịt đang lớn, ba tôi đào vài củ măng to cho má làm món vịt hầm măng tre. Cũng có khi măng tre lên nhiều quá, gặp hàng xóm qua chơi, ba tôi kêu mọi người đào măng về nấu ăn. Tình nghĩa xóm làng là vậy.

Giờ ba tôi không còn nữa, mỗi khi gió heo may mang cái lạnh về, hàng tre xào xạc trút lá non làm tôi buồn hơn. Tiếng thân tre kẽo kẹt những đêm trời trở gió hay những buổi sớm gần sang xuân vẫn đọng lại trong tôi nỗi nhớ rất lâu trong những năm tháng sau này. Từ xa về trên cây cầu cao nhìn xuống lũy tre đầu xóm, khói cơm chiều la đà trên cái nền xanh của hàng tre, tôi vui vì sắp được gặp những người thân yêu nhất.

Quê tôi ngày nay khác xưa, bờ tre, nhà mái lá, cột tre giờ không còn nữa mà thay vào đó là những ngôi nhà tường kiên cố. Nơi ấy luôn in đậm trong tôi về hình ảnh người cha hiền lành, mộc mạc cùng loài cây giản dị năm nào.

Bài và ảnh: LÊ VINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/bo-tre-sau-nha-17751.html