Bố trí cán bộ phụ trách y tế học đường bậc mầm non: Cần thiết và phù hợp

Theo các đơn vị quản lý y tế và giáo dục ở Hà Tĩnh, với bậc mầm non, việc bố trí một cán bộ hợp đồng phụ trách y tế học đường là hết sức cần thiết.

Ngày 30/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Tại Điều 7 của thông tư này quy định rõ định mức số lượng người làm việc, vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ như: y tế học đường, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn.

Việc bố trí một lao động thực hiện nhiệm vụ y tế học đường ở trường mầm non là cần thiết và phù hợp.

Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ.

Sau khi ra đời, thông tư này đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các cơ quan quản lý y tế và giáo dục ở địa phương bởi sự cần thiết và phù hợp của các vị trí bổ sung, nhất là vị trí y tế học đường ở bậc học mầm non.

Ông Võ Văn Dũng - Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Hà cho biết: "Nhiều địa phương sau khi sáp nhập từ 3 xã thành 1 và 2 xã thành 1, số lượng các điểm trường tăng lên rất nhiều, có những xã có đến 10 điểm trường trong khi trạm y tế thì chỉ được 6 - 8 người. Số cán bộ, nhân viên của trạm y tế xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn nên rất khó để đảm đương hết được nhiệm vụ của y tế học đường. Chính vì vậy, Thông tư 19 hướng dẫn các trường bố trí thêm 1 lao động phụ trách y tế học đường ở bậc mầm non là rất cần thiết và phù hợp bởi bậc học này, hầu hết các em ăn bán trú nên đặt ra yêu cầu cao trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Việc có một cán bộ y tế học đường tại cơ sở giáo dục mầm non sẽ giúp quản lý tốt sức khỏe, dinh dưỡng cho các em.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Thị An (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) cho rằng, thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn bán trú của trường học. Chính vì vậy, việc có thêm một cán bộ phụ trách y tế học đường thì khâu quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được chặt chẽ, phụ huynh cũng yên tâm hơn khi cho con ăn bán trú".

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa xâm nhập và lây lan trong học đường như: tay - chân - miệng, đau mắt đỏ với số lượng ca mắc và nguy cơ lây lan lớn. Điều đáng lo ngại là ở bậc mầm non, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của các em còn rất hạn chế nên có một cán bộ chuyên trách về y tế học đường, chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, với độ tuổi còn nhỏ, chưa nhận thức rõ được các nguy hiểm trong khi vui chơi, rất dễ vấp ngã, chấn thương nên công tác sơ cứu ban đầu của cán bộ y tế hết sức quan trọng.

Ngoài các lý do trên, theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh Nguyễn Anh Hoan, khi có một cán bộ phụ trách y tế học đường ở trường mầm non thì việc thực hiện chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi sẽ mang lại hiệu quả hơn. Trường sẽ triển khai được thường xuyên, sâu sát hơn việc theo dõi chiều cao, cân nặng, thể lực, sức khỏe cho trẻ.

Công tác quản lý về an toàn thực phẩm sẽ được đảm bảo hơn khi có cán bộ y tế học đường trong các cơ sở mầm non.

Được biết, tại Hà Tĩnh, từ tháng 9/2020 trở về trước, mỗi trường học trên địa bàn tỉnh đều có một nhân viên y tế trường học chuyên trách. Sau đó, thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 94/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 96/2018/NQHĐND ngày 18/7/2018, trong đó, chuyển nhiệm vụ y tế học đường và các viên chức y tế ở các trường học về trạm y tế cấp xã hoặc trung tâm y tế cấp huyện. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND tỉnh ngày 20/4/2023 về thực hiện Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Phó trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Trong thời gian qua, công tác y tế học đường đã được ngành và địa phương quan tâm. Trong năm 2023, Sở GD&ĐT và Sở Y tế đã ban hành quy chế phối hợp liên ngành, thực hiện công tác y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.

Trên cơ sở Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các sở, ngành, đơn vị liên quan để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của thông tư theo quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nói chung và cấp học mầm non nói riêng".

Phúc Quang - Đan Phúc

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/giao-duc/bo-tri-can-bo-phu-trach-y-te-hoc-duong-bac-mam-non-can-thiet-va-phu-hop/258022.htm