Bỏ trời Tây, thạc sỹ kinh tế tại Đức về quê nuôi gà và tôm

Từ bỏ một tương lai xán lạn tại trời Tây cùng tấm bằng thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh ở Đức, anh Nguyên đã đưa ra quyết định táo bạo là về quê chăn nuôi.

Theo đó, năm 2003, anh Nguyễn Văn Nguyên (SN 1976), trú tại xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh sang Đức học tập. Tại đây sau 8 năm học tập và sinh sống, anh đã hoàn thành xong ĐH và bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Gia đình, bạn bè và người thân đều nghĩ, sau khi học xong, anh sẽ tìm kiếm một công việc với mức lương cao ở trời Tây. Và như chia sẻ của anh Nguyên: “Tôi cũng nghĩ mình sẽ chọn một công việc ở Đức hoặc nếu có về nước thì sẽ chọn Hà Nội hoặc TP HCM làm điểm dừng chân lập nghiệp. Dự định về quê làm giàu chỉ là một trong nhiều lựa chọn tôi đã đưa ra, và cuối cùng tôi đã quyết định về quê cha đất tổ làm giàu”.

Được biết, quyết định “khác người” của anh Nguyên đã khiến cả gia đình bất ngờ và ngạc nhiên. Ai cũng khuyên anh nên từ bỏ ý định đó, thậm chí họ còn cho rằng anh quá “điên rồ” khi cầm tấm bằng thạc sỹ ở nước ngoài sẽ có khả năng xin một công việc có mức lương tốt, không nhất quyết là về quê chăn nuôi.

Tuy nhiên, bỏ ngoài tai những lời can ngăn, năm 2011, anh Nguyên quyết định trở về Việt Nam và bắt tay thực hiện việc xây dựng trang trại chăn nuôi. Bước đầu anh tìm hiểu về con giống, xây dựng chuồng trại, đào ao và năm 2012, bắt đầu vụ nuôi tôm, thả cá đầu tiên.

Công nhân đang chuyển thức ăn ra cho tôm ăn.

Anh Nguyên cho biết, năm đó, anh đào 5 ha ao để nuôi tôm sú, cua gạch và cá. Ngoài ra, anh nuôi thêm 12.000 con gà. Do bản thân chưa có kinh nghiệm, cộng thêm thời tiết ở quê khá thất thường nên mới đầu công việc gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng năm đó, cơn bão lớn đổ bộ vào Hà Tĩnh đã khiến trang trại của anh gần như mất trắng. Toàn bộ tôm, cua bị cuốn trôi, trang trại ngập trong nước. Do ngập nước nên gần 12.000 con gà cũng bị chết. Ước tính thiệt hại lên đến gần 2 tỷ đồng.

Bao nhiêu thành quả trôi xuống sông xuống biển khiến anh rơi vào tình trạng chán nản, muốn bỏ cuộc.

“Sau sự việc này, vợ và gia đình cũng khuyên tôi nên từ bỏ công việc nhiều trắc trở này, tìm một công việc khác an nhàn và ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, một điều tôi học hỏi được là sự thất bại không làm bản thân nản lòng, ngã ở đâu sẽ đứng dậy chỗ đó, trong thất bại càng phải đứng lên. Do vậy tôi vẫn quyết định vay mượn tiền bạc từ bạn bè và gia đình để đầu tư làm lại từ đầu”, anh Nguyên chia sẻ.

Theo đó, để dự phòng những bất thường và khắc nghiệt của thời tiết miền Trung, lần vực dậy thứ hai này anh Nguyên quyết định xây dựng chuồng trại cao hơn, đê điều bồi, kè đá lên cao. Sau đó, anh bắt đầu mua giống từ viện chăn nuôi về thả.

Hàng nghìn con gà được nuôi tại trang trại của anh Nguyên.

Và rồi bằng phương thức chăn nuôi phù hợp, mùa thu hoạch đầu tiên, anh Nguyên đã thu về gần 2 tỷ đồng sau khi trừ đi các chi phí khác. Những mùa tiếp theo trang trại của anh thu nhập từ 1,5 – 2 tỷ đồng/năm. Được biết, thị trường tiêu thụ chủ yếu của trang trại là trong tỉnh và các vùng lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa.

Hiện, trang trại của anh Nguyên đang nuôi hàng nghìn con gà chủ yếu đẻ trứng và hơn 36 ha diện tích mặt nước nuôi tôm, cua. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm lợn rừng. Trang trại tạo công việc cho gần 20 nhân công với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Trò chuyện về cách thức mang lại hiệu quả trong chăn nuôi, anh Nguyên cho hay, bản thân anh đề cao vấn đề nuôi tôm, cua sạch và nhất quyết không dùng hóa chất kháng sinh. Đối với gà, anh cũng hạn chế dùng kháng sinh, thay vào đó là luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho gà ăn các loại thức ăn tự chế từ rau bèo (cây lục bình), bột ngô lên men, cá đã nấu chín,… trộn với nhau theo tỷ lệ. Với cách tự chế biến thức ăn như thế này sẽ vừa sạch vừa đảm bảo dưỡng chất và tiết kiệm.

Anh Nguyên tâm sự, nếu chọn lại anh vẫn quyết định làm trang trại chứ không ở lại trời Tây. Nhiều khi nhàn rỗi, xem lại các giáo trình, sách vở đã học, bản thân cũng có đôi chút tiếc nuối, tuy nhiên không hề có hối hận.

Thức ăn cho gà được anh tự chế từ bèo, bột ngô.

Dự định trong tương lai của anh là sản xuất các mặt hàng sạch, hữu cơ, sử dụng các nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có. Đặc biệt sẽ tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi bằng cách nuôi thêm lợn nái, lợn thịt.

Ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ cho biết, mô hình trang trại chăn nuôi tổng hơp của anh Nguyên là mô hình có tiềm năng phát triển, điểm sáng trong phát triển kinh tế xã nhà. Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân khác.

Phương Ngân

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/bo-troi-tay-thac-sy-kinh-te-tai-duc-ve-que-nuoi-ga-va-tom-d94238.html