Bộ trưởng Bộ Công an: Cấp Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi là khả thi

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi là bảo đảm tính khả thi, bởi trẻ em cũng phải được giao dịch trong môi trường điện tử…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Sáng nay, 17-3, Ủy ban Thường vụ Quốc (UBTVQH) hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 2 dự án Luật căn cước công dân (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo tờ trình của Chính phủ, việc đề nghị sửa Luật căn cước công dân (CCCD) bao gồm 4 chính sách, trong đó quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào căn cước công dân. Đồng thời, bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước...

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, với quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD, Thường trực Ủy ban và các cơ quan tán thành với chính sách này.

Tuy nhiên, theo báo cáo, việc đưa nhiều thông tin cá nhân vào thẻ căn cước công dân dẫn đến tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Do vậy, đề nghị cần giải pháp chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong căn cước công dân phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Về bổ sung quy định cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, theo ông Tùng, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này. Bởi độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác. Phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự…

Một số ý kiến khác cho rằng việc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.

Về đề nghị thay thế Giấy Chứng minh nhân dân còn thời hạn chuyển sang hoàn toàn sử dụng bằng căn cước công dân, đa số ý kiến tán thành nhưng từ kinh nghiệm bỏ sổ hộ khẩu giấy, đề nghị đánh giá tác động kỹ để tránh gây xáo trộn, bức xúc cho công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật CCCD nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ CCCD, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cũng đồng tình với các nhóm chính sách trong sửa đổi luật bao gồm: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD; Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD…

Phát biểu làm rõ hơn một số nội dung liên quan tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi Luật CCCD hiện nay là rất cần thiết để thực hiện các chỉ đạo của Đảng trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp

Đại tướng Tô Lâm cũng nêu rõ, mục tiêu hướng tới là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, góp phần vào quá trình chuyển đổi số Quốc gia.

Theo đó, mọi người phải có giấy tờ, không ai không có giấy tờ pháp lý điện tử.

“Đối với trẻ em, chúng tôi đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã cung cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho chính quyền cấp xã về dữ liệu trẻ em ở địa phương đó để tính toán cơ sở giáo dục đào tạo; có cụ thể bao nhiêu trẻ em sinh sống trên địa bàn; cháu nào có hộ khẩu thường trú, tạm trú hay không có hộ khẩu. Việc này đã phục vụ rất tốt cho các kỳ thi vào lớp 10, thi đại học, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Về việc trẻ em dưới 14 tuổi có được giao dịch qua môi trường mạng hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã là Chính phủ điện tử thì các cháu phải được giao dịch điện tử; trẻ em sinh ra được cấp hộ chiếu ngay. Tuy nhiên, ngoài hộ chiếu và Giấy khai sinh thì các cháu không có giấy tờ giao dịch gì khác, thực tế xảy ra bất cập vì giấy khai sinh không chứng minh được người được khai sinh và người sử dụng.

Với các lý do đó, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi là bảo đảm tính khả thi, đảm bảo yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước, để trẻ em dưới 14 tuổi cũng phải được giao dịch trong môi trường điện tử để tránh bất cập.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, CCCD của chúng ta hiện nay là 1 trong những loại hiện đại trên thế giới, chúng ta đang phấn đấu trong ASEAN sẽ thống nhất các loại giấy tờ. Với ý tưởng này, Singapore và Malaysia là những nước đi đầu. Trên thực tế, việc đi lại trong Cộng đồng châu Âu không cần visa, tiến tới ASEAN cũng thống nhất như vậy thì công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN bằng CCCD.

Thực tế hiện nay, có gần 3 triệu người chưa làm CCCD, lực lượng Công an đặt mục tiêu đạt 100% công dân có CCCD. “Nếu hoàn thiện được thì các công tác đều rất thuận lợi, kể cả những việc như tìm trẻ lạc hay người bị tai nạn đều dễ dàng” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-truong-bo-cong-an-cap-can-cuoc-cong-dan-cho-nguoi-duoi-14-tuoi-la-kha-thi-post534081.antd