Bộ trưởng Bộ Công thương: Cả nước dự kiến sẽ thiếu điện từ năm 2021

Dự án nguồn điện triển khai chậm so với kế hoạch điều Điện VII điều chỉnh; đầu tư dàn trải, chưa dược ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm… là nguyên nhân khiến cả nước dự kiến thiếu điện từ năm 2021.

Chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội, liên quan đến các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, gồm: Công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo;

Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển cơ khí chế tạo trong nước, tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Cả nước dự kiến thiếu điện từ năm 2021

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, cả nước dự kiến thiếu điện từ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do các dự án nguồn điện triển khai chậm so với quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Ngoài ra, theo Bộ trưởng còn do đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm dẫn đến các yếu tố bất lợi trong quản lý, triển khai.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội.

Về đưa điện đến vùng nông thôn khó khăn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận tình trạng chậm trễ, chưa hoàn thành dự án này. Quy mô dự án khoảng 30.000 tỷ, Bộ đã xây dựng cơ cấu vốn để thực hiện trong đó có cơ cấu lớn từ vốn vay WB và EU tuy nhiên từ cuối năm 2017 đến đầu 2018 (trần nợ công lúc đó lên rất cao) nên các dự án này tạm thời chưa được bố trí vốn… đến thời điểm này mới thực hiện được trên 10% khối lượng dự án với 18% vốn được giải ngân.

Bộ trưởng đề nghị xem xét cho tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài để tiếp tục triển khai dự án.

Mặt hàng xuất khẩu gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường

Về phát triển thương mại, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường, ngành hàng dẫn đến nguy cơ bị tổn thương khi các thị trường, ngành hàng lớn có những yếu tố bất ổn.

Mặt khác, các mặt hàng xuất khẩu còn gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việc nhập tỷ lệ lớn nguyên, nhiên liệu về sản xuất khiến hàng hóa xuất khẩu gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-ca-nuoc-du-kien-se-thieu-dien-tu-nam-2021-d165552.html