Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều đa cấp bất chính!

Với sự phát triển của kinh tế - xã hội và hội nhập chúng ta cũng đang đối mặt với rất nhiều đa cấp bất chính ở trong nhiều lĩnh vực, nhưng không phải là bán hàng đa cấp trong các mặt hàng sản phẩm thương mại mà đa cấp huy động tín dụng hay đa cấp trong các dịch vụ khác.

Đó là thông tin Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: Thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng không phép có biểu hiện gia tăng và diễn biến phức tạp, gây nguy cơ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Xin Bộ trưởng cho biết thực trạng tình trạng này như thế nào? Những nguyên nhân và những giải pháp để khắc phục, Bộ đã có những những giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người dân?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương cho biết, trước đây, có khoảng gần 50 doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp và gần 1.300.000 người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp, đến nay đã siết chặt quản lý và thu nhỏ lại, số doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ còn 23 và số người tham gia chỉ còn khoảng 800.000 người.

Nhưng trên thực tế, chỉ có 300.000 người tham gia bán hàng đa cấp thật sự với những mục tiêu hướng tới lợi nhuận, còn lại chủ yếu để được hưởng chiết khấu cho các những sản phẩm của bán hàng đa cấp.

Đại biểu Dương Tấn Quân chất vấn về hoạt động bán hàng đa cấp

Đại biểu Dương Tấn Quân chất vấn về hoạt động bán hàng đa cấp

Chúng ta đã tổ chức hoàn thiện lại khung khổ pháp luật, đặc biệt là ban hành Nghị định 43 đã mang lại những nền tảng rất cơ bản để đảm bảo quản lý bán hàng đa cấp đúng mục đích và đúng với bản chất của nó, không cho phép những doanh nghiệp trục lợi và gây ra thiệt hại lớn cho xã hội.

Đến nay chúng ta đã siết chặt lại và đã gần như đảm bảo được hiệu quả của quản lý nhà nước và đảm bảo được lợi ích của người dân cũng như người tham gia bán hàng đa cấp.

Đồng thời, bổ sung Điều 127a trong Bộ luật Hình sự để quy định làm rõ trách nhiệm của những đối tượng tham gia bán hàng đa cấp trục lợi, bất chính và đảm bảo sự răn đe cũng như chế tài ở mức mạnh để không cho phát triển bán hàng đa cấp bất chính và trục lợi.

“Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của kinh tế - xã hội và hội nhập chúng ta cũng đang đối mặt với rất nhiều đa cấp bất chính ở trong nhiều lĩnh vực, nhưng không phải là bán hàng đa cấp trong các mặt hàng sản phẩm thương mại mà đa cấp huy động tín dụng hay đa cấp trong các dịch vụ khác.

Đây là những vấn đề mới liên quan đến quản lý nhà nước của rất nhiều bộ, ngành, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu để báo cáo với Chính phủ và Quốc hội có biện pháp điều chỉnh, bổ sung, điều chỉnh các luật lệ để đảm bảo quản nhà nước tốt hơn”, Bộ trưởng Công Thương cho biết.

“Hình thức bán hàng online đã phát sinh nhiều hình thức biến tướng, nhất là vấn đề quảng cáo thông tin không chính xác. Tình trạng không có địa chỉ sản xuất, kinh doanh sản phẩm là khá phổ biến gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã có giải pháp nào để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này’, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) hỏi.

Theo Bộ trưởng Công Thương, thương mại điện tử của Việt Nam phát triển rất nhanh trong những năm gần đây và mức độ tăng trưởng là tới hơn 30%. Nhưng có một số vấn đề đang đặt ra.

Đó là các khung khổ pháp luật và thể chế còn có sự chồng lấn và chưa xây dựng hoàn thiện về pháp luật để đảm bảo hạ tầng thương mại điện tử cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo với Chính phủ và Quốc hội để cho phép tiếp tục xây dựng, hoàn thiện một số thể chế và pháp luật để đảm bảo lợi ích này. Đồng thời có những phương án để đảm bảo những điều kiện để phát triển thương mại điện tử, gắn với Luật Quảng cáo hoặc những yêu cầu trong Luật An ninh mạng để đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng.

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-chung-ta-dang-doi-mat-voi-rat-nhieu-da-cap-bat-chinh-168986.html