Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra triển khai chương trình GDPT mới tại tỉnh Bạc Liêu

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành cùng tỉnh Bạc Liêu để rà soát, hoàn thiện 2 đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021-2025.

Chiều 13/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Thu

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Thu

Báo cáo về tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh, bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo ngành Giáo dục trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trước mắt là đối với lớp 1 năm học 2020-2021.

Toàn tỉnh hiện có 118 trường tiểu học và 3 trường phổ thông có cấp tiểu học với 74.611 học sinh/2.334 lớp; có 2.215 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố là 1.552, bình quân 0,95 phòng học/lớp. Số học sinh được học 2 buổi/ngày là 52.711 em, tỷ lệ 70,64%. Trong đó, số học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày là 14.761 em, đạt tỷ lệ 100%.

Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường và các trường tiểu học có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo thành những điểm trường, trường tiểu học có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã bố trí nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học đảm bảo nhu cầu tối thiểu các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1.

Khó khăn của tỉnh Bạc Liêu khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh còn thiếu, thậm chí không có ở một số môn mới, môn ghép và các hoạt động giáo dục. Cũng do ngân sách khó khăn nên năm 2020, tỉnh chưa bố trí được kinh phí để triển khai hoạt động bồi dưỡng đại trà cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Để đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo quy định, dự kiến tỉnh Bạc Liêu cần nguồn kinh phí gần 1.820 tỷ đồng để đầu tư xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện cấp tiểu học, THCS và THPT giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc, nhiều câu hỏi, kiến nghị của địa phương đã được đoàn công tác của Bộ GD&ĐT trao đổi, giải đáp và hướng dẫn. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như phát triển đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; xây dựng tài liệu giáo dục địa phương; định hướng phát triển Trường Đại học Bạc Liêu…

Đối với 2 điều kiện căn cốt là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành cùng tỉnh Bạc Liêu để rà soát, hoàn thiện 2 đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021-2025. Riêng đề án về đội ngũ giáo viên, theo Bộ trưởng cần gắn với nâng cao năng lực đào tạo của Trường Đại học Bạc Liêu.

Từ những kết quả đã đạt được trong triển khai chương trình lớp 1, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát huy cho những năm tiếp theo. Trong đó, trước mắt cần chỉ đạo tốt việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; kiện toàn nhóm biên soạn tài liệu giáo dục địa phương để sớm hoàn thiện tài liệu địa phương lớp 1 và các lớp tiếp theo. “Đây không chỉ là tài liệu dạy học mà còn là công trình văn hóa của địa phương nên phải được thực hiện công phu, chuẩn về nội dung, đẹp về hình thức”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để dư luận nhân dân hiểu rõ về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là những kết quả thực hiện chương trình lớp 1 thời gian vừa qua, Bộ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Đồng thời, chú trọng công tác phối hợp, thường xuyên kết nối với các đơn vị của Bộ GD&ĐT để cùng trao đổi, “gỡ khó” cho quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Mỹ Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/bo-truong-bo-gd-dt-kiem-tra-trien-khai-chuong-trinh-gdpt-moi-tai-tinh-bac-lieu-572852.html