Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm

'Tinh giản biên chế, liệu có giản mất người tinh?', 'Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dàn trải, liệu có phải để tăng thu cho cơ sở đào tạo? - Đó là những câu hỏi đang được cử tri quan tâm gửi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Không nên giảm biên chế cào bằng

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đi thẳng vào vấn đề đang rất “nóng” hiện nay, đó là tinh giản biên chế. Vị này dẫn một lo lắng của cử tri rằng sẽ “giản mất những người tinh”. Ngoài ra, theo bà Dao, việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước chắc chắn sẽ tồn đọng rất nhiều lực lượng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi, dư. Điều này tạo nên tâm lý rất bất an. Cử tri rất muốn biết giải pháp then chốt để giải quyết tốt các chế độ chính sách cho đối tượng này.

Giải đáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ rất đồng tình với quan điểm “không nên giảm biên chế cào bằng”, điều chỉnh trên tổng biên chế. Ông Tân ví dụ như Bộ Nội vụ vừa rồi giao biên chế năm 2019 tăng biên chế cho 3 đơn vị nhưng giảm 6 đơn vị. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ công việc hàng năm mà điều chỉnh trên tổng biên chế được tăng là giao cho thủ trưởng đứng đầu quyết định, chứ không phải là đơn vị nào, vụ nào, sở nào cũng đều giảm hết 2%. Chúng ta điều chuyển công tác cán bộ đi để đảm bảo làm sao tổng biên chế của chúng ta không tăng.

Về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định đến năm 2021 khả năng thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính là khả thi bởi vì trong hai năm vừa qua Bộ Nội vụ kết hợp với Bộ Tài chính đã cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm và Bộ Tài chính cắt giảm về kinh phí để chi thường xuyên cũng 2%.

“Như vậy đến cuối năm 2020 chúng ta đã đạt được là 8,85% rồi” – ông Tân tính toán – “Năm 2021 chỉ còn 1,3% nữa chúng ta đạt được chỉ tiêu. Kết hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính, kết hợp với việc thực hiện quy định giảm lượng công chức của cấp xã, nhiều hoạt động cho xã thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được 10% đối với công chức”.

Riêng đối với lĩnh vực viên chức, lãnh đạo Bộ Nội vụ thừa nhận khó khăn và mong muốn có một Nghị định riêng về vấn đề viên chức. “Hiện nay, viên chức chỉ mới giảm được 4,26%. Nếu chúng ta tăng thêm 29.300 và sắp tới theo đề nghị của các địa phương tăng thêm khoảng 1.000 viên chức giáo dục y tế thì gần như 5 năm qua chúng ta không giảm được một biên chế nào. Đây là một vấn đề chúng ta cần tính toán để các địa phương cùng Bộ Nội vụ tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới và phải cương quyết thực hiện được chủ trương của Đảng về thực hiện tinh giản biên chế” – Bộ trưởng nói.

Cho đi học không phải để tăng thu cho cơ sở đào tạo

Một thực trạng nữa được đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) phản ánh là hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức đang phải trải qua nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng sau khi được tuyển dụng như quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, trung cấp lý luận chính trị, cao cấp chính trị… Nhiều cử tri đặt dấu hỏi: Có hay không việc đào tạo bồi dưỡng đang phân tán theo tiêu chuẩn, trùng lặp nội dung như hiện nay là để nuôi các cơ sở đào tạo? Nội dung bồi dưỡng chưa thiết thực, còn dàn trải?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định rằng, việc yêu cầu văn bằng chứng chỉ khi tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm là tuân thủ theo quy định của Đảng và Nhà nước. Song, tiếp thu ý kiến đại biểu, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu để phân loại lại các lớp đào tạo theo hướng lúc nào cần đào tạo gì để tránh trùng lặp.

Về vấn đề bồi dưỡng, theo ông Tân, đây việc ta làm thường xuyên, không phải chuyện cho đi học để tăng nguồn thu cho các cơ sở đào tạo. Tới đây, thực hiện chỉ đạo về sắp xếp các cơ sở đào tạo, Bộ trưởng sẽ đề nghị triển khai “gom” các cơ sở đào tạo lại và giám sát chặt chẽ nội dung, chương trình đào tạo. Đặc biệt, tiến tới không bồi dưỡng theo văn bằng, chứng chỉ nữa mà chuyển hướng sang bồi dưỡng theo chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm với yêu cầu tiên quyết là chương trình học phải gọn nhẹ, tiết kiệm, bố trí thời gian hợp lý để cán bộ công chức thực hiện đúng các quy định.

Mang theo tờ "tâm thư" của một cô giáo đã ký hợp đồng "năm một" trong suốt 14 năm vừa bị chấm dứt hợp đồng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về việc khi nào giải quyết việc cấp biên chế cho các trường hợp này?

Trả lời, ông Tân cho biết, chiều qua, Bộ đã có văn bản hướng dẫn thực hiện biên chế, hợp đồng được cấp thẩm quyền cho phép trước 31/12/2015. Trong hôm nay, văn bản này sẽ được gửi tới tất cả 63 tỉnh, thành phố và các địa phương có thể áp dụng ngay. Nói cách khác, các trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy thì sẽ được xét chuyển thành biên chế công chức ngay (nếu còn chỉ tiêu).

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bo-truong-bo-noi-vu-se-tap-trung-dao-tao-boi-duong-can-bo-theo-vi-tri-viec-lam-114839.html