Bộ trưởng Bộ TT&TT: Đưa giáo dục kỹ năng số vào cấp học phổ thông!

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, hôm qua (8-11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng.

Đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông

Theo đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn đề các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, hiện nay, người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông nhiều người gọi là báo chí nhân dân, trong đó có nhiều trang mạng xấu độc, tác động xấu đến đời sống xã hội. “Xin Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để giải quyết bất cập nêu trên, không bị động chạy theo xử lý hậu quả?”, đại biểu hỏi.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) hỏi: “Hiện nay số sim điện thoại của cá nhân, tổ chức quảng cáo nào cũng có được quảng cáo rao bán đất bán nhà các loại hàng hóa, thậm chí điện trực tiếp, như vậy có vi phạm pháp luật không. Tôi đề nghị với Bộ TT&TT và Bộ Công an có biện pháp gì để ngăn chặn, xử lý, khắc phục tình trạng trên”?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng, hiện nay tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi trụy thiếu văn hóa. Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng… “Nhiều người dân bị lừa đảo, chịu thiệt hại vật chất, tinh thần. Bộ trưởng có giải pháp gì, xử lý như thế nào?
Trả lời về vấn đề tin xấu, độc trên mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng TT&TT, yêu cầu dứt khoát, rất quan trọng là tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên.

Đáng nói, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ kiến nghị Bộ GD&ĐT sẽ đưa đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông từ cấp từ cấp học phổ thông. “Nếu như chúng ta đọc một tin xấu thì vô hình chung ta đang nuôi cái tin xấu đó vì mỗi lần đọc tin xấu là tăng thêm 1 view, người đưa tin đấy được hưởng lợi vì quảng cáo tăng lên”, Bộ trưởng nói.

Hiện nay Bộ TT&TTđang nghiên cứu, đặc biệt là đối với trẻ em sẽ ra một số các khuyến nghị như một số nước họ ra quy định tuổi dùng smartphone, một số nước khác quy định hạn chế giờ giấc, tổng thời gian, thời gian chơi.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Phải có một nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân

Dẫn quy định của Hiến pháp về mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự uy tín của mình, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) chất vấn về thực trạng báo chí khai thác quá mức, làm lộ thông tin cá nhân, gây bất lợi thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân.

Trả lời đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, Bộ trưởng cho biết: “Như tôi cách đây một tháng đi làm cái kính, cửa hàng họ đề nghị điền tên, địa chỉ nhà, số điện thoại, nghề nghiệp. Rồi chúng ta đi mua sắm ở siêu thị, để làm thẻ giảm giá cũng điền tất cả thông tin cá nhân vào, chúng ta cũng dễ dãi trong chuyện đưa thông tin cá nhân”.

Giải pháp được Bộ trưởng TT&TT đưa ra là cần có quy định pháp luật rất tường minh, rõ ràng về những DN sở hữu thông tin cá nhân sử dụng như thế nào, được phép sử dụng vào việc gì, cái gì cần phải xin phép khách hàng, người sử dụng thì mới được công bố.

Về vấn đề đời tư bị báo chí khai thác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cần xác định đâu là ngưỡng chấp nhận được, đâu là ngưỡng vượt quá liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, nhận thức của nhà báo, PV. “Nghề báo là một nghề rất đặc biệt, làm báo là tự nhận sứ mệnh vì xã hội tốt đẹp hơn, sứ mệnh vì lợi ích cộng đồng. Chúng tôi cùng với Hội nhà báo sẽ tăng giáo dục đào tạo, nâng cao nhận cao nhận thức của PV và đặc biệt là sứ mạng và trách nhiệm của người PV đối với xã hội”, Bộ trưởng nói.

Không cấp phép các dịch vụ mới nếu còn sim rác

Đại biểu Trương Anh Tuấn đề cập đến vấn đề quản lý sim điện thoại hiện nay: “Sim điện thoại đăng ký tên giả được kích hoạt trước vẫn tồn tại và đang gây nhiễu loạn trong xã hội. Đây là công cụ để kẻ xấu lợi dụng tung tin giả xuyên tạc sự thật ném đá giấu tay, thậm chí đe dọa tống tiền xâm hại lợi ích chính đáng của cá nhân cũng như của nhiều tổ chức trong xã hội.

Cần phải xử lý nghiêm và ngăn chặn kịp thời việc mua bán sim rác trôi nổi. Xin Bộ trưởng cho biết việc này có thực hiện được không và trách nhiệm thuộc về ai, những giải pháp mà Bộ đã và sẽ áp dụng trong thời gian tới để ngăn chặn tình trạng này?

Về sim điện thoại quảng cáo, Bộ trưởng TT&TT cho biết đã có quy định nhà mạng nào nếu còn sim rác thì sẽ không cấp phép các dịch vụ mới cho nhà mạng đấy. Hiện, các nhà mạng rất tích cực, chỉ trong tháng 10 vừa qua khi nhà nhà mạng ra tay chúng ta có 24.000.000 sim mà được kích hoạt trước để bán một cách không có số liệu cho khách hàng. Các nhà mạng đã dùng biện pháp kỹ thuật chặn lọc được còn khoảng 6.000.000 máy bước đầu đã giảm được 70%.

Bên cạnh đó, dùng công nghệ để chắt lọc những thông tin được nhận dạng là thông tin quảng cáo, tin nhắn rác và số lượng các phàn nàn của khách hàng giảm đi, nhưng các nhà mạng hiện nay mới tập trung vào chuyện quảng cáo là bất động sản và bán sim số đẹp, còn các lĩnh vực khác thì chưa.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-truong-bo-tttt-dua-giao-duc-ky-nang-so-vao-cap-hoc-pho-thong-169318.html