Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu trả lời trước Quốc hội

Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa được Quốc hội phê chuẩn, bổ nhiệm nhưng đã có trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề xử lý SIM rác, xử lý thông tin xấu trên mạng xã hội.

Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời trong phiên chất vấn của ĐBQH chiều 31/10 về vấn đề một số ĐBQH quan tâm đến việc xử lý người đăng tin sai trên mạng xã hội, các thông tin xấu, cũng như vấn đề xử lý SIM rác.

Trước đó, ngay từ đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có thông báo, do mới được phê chuẩn bổ nhiệm mấy ngày nên Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ không trả lời chất vấn của ĐBQH mà những vấn đề ĐBQH quan tâm đến ngành Thông tin - Truyền thông sẽ do Phó Thủ tướng phụ trách trả lời (cụ thể là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam).

Tuy nhiên, trong chiều nay, sau một số chất vấn của ĐBQH, Chủ tọa phiên chất vấn đã mời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng "ra mắt Quốc hội bằng câu trả lời về SIM rác".

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, nước lớn hay nước nhỏ đều bị và càng ngày càng nặng hơn.

Chúng ta sống trên không gian mạng mới được khoảng chục năm và chưa nhiều kinh nghiệm. Trong khi đời sống thực, chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều nghìn năm. Một số logic trong đời sống thực có thể mang áp dụng sang không gian ảo để xử lý câu chuyện thông tin sai.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Thứ nhất, chúng ta phải định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật. Vấn đề này phải sửa một số quy định của pháp luật.

Thứ hai, chúng ta phải có công cụ giám sát, phân tích đánh giá, tức là phải dùng công nghệ. Một ngày, trên mạng xã hội bằng tiếng Việt có khoảng 100 triệu thông tin, chúng ta không thể dùng người được

Hiện, bộ TT&TT bước đầu xây dựng được trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, có thể đọc được 100 triệu tin/ngày, phân tích, đánh giá, phân loại.

Chúng ta phải có công cụ quét rác. Đây cũng là câu chuyện vừa liên quan đến pháp luật vừa công nghệ. Phải chỉ ra được một đầu mối xử lý việc này, Chính phủ phải ra quyết định.

Công cụ quét rác, dọn dẹp là kỹ thuật công nghệ, có thể làm được. Đồng thời, cái khó là có những mạng xã hội xuyên biên giới cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp của Việt Nam, đặc biệt là các yêu cầu về gỡ bỏ thông tin.

Việc này có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế, EU làm rồi, một số nước ASEAN đã làm rồi. Quan trọng nhất là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật.

Chúng ta phải có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng xã hội. Mạng xã hội giờ không phải ảo mà là thật. Chúng ta không nên bỏ trống trận địa này.

Người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng xã hội, cái tốt nhân lên thì cái xấu sẽ giảm đi cũng như nâng cao nhận thức của người dân về việc, thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt cho nên không phải cái gì xem cũng tin ngay. Vấn đề này cần tăng cường truyền thông.

Vấn đề SIM rác, Bộ trưởng cho rằng, cái gốc nằm ở việc phải có cơ sở dữ liệu công dân chính xác. Phải xác định được mối quan hệ giữa người đăng ký gắn vào SIM và chứng minh nhân dân. Chứng minh nhân dân ở nhiều nước họ đã cài vào ID duy nhất: Ảnh và vân tay.

Khi người đến đăng ký chìa chứng minh nhân dân ra cắm vào máy là hiện lên vân tay, ảnh. Công ty cung cấp sim chỉ cần chụp ảnh và so với cơ sở dữ liệu đó. Nếu ảnh trùng với chứng minh nhân dân thì đúng là người sở hữu chứng minh nhân dân đó. Như thế, SIM gắn với chứng minh nhân dân, đúng người.

"Đây là giải pháp căn cơ nhất. Vừa qua chưa thực hiện căn cơ được, chúng ta đã dùng khá nhiều vấn đề khác. Để thực sự căn cơ, chúng ta nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân. Việc này không chỉ dành cho câu chuyện xử lý sim rác mà còn cả câu chuyện Chính phủ điện tử", Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-truong-bo-tttt-nguyen-manh-hung-lan-dau-tra-loi-truoc-quoc-hoi-a409286.html