BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC ĐỖ VĂN CHIẾN LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Chiều ngày 04/11/2020, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến cơ chế, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Đinh Công Sỹ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La.

Đại biểu Đinh Công Sỹ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La.

Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần tiếp tục tích hợp các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ trực tiếp các chính sách có ảnh hưởng đến an sinh xã hội như giáo dục, y tế, còn lại hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả; phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương.

Ngoài ra, để việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có hiệu quả, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần tập trung vào một số giải pháp trên cơ sở phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, tăng cường nguồn đầu tư và hỗ trợ từ Trung ương với vai trò dẫn dắt và khai thông các nguồn lực địa phương. Xây dựng các mô hình liên kết, chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ như chế biến nông, lâm sản, dược liệu, dịch vụ để thúc đẩy giảm nghèo đa chiều với 4 nhóm tiêu chí quan trọng là sinh kế cho nhân dân; sức khỏe và dinh dưỡng; giáo dục và đào tạo; đảm bảo an sinh xã hội, kết hợp lồng ghép đồng bộ giữa xóa đói, giảm nghèo với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các ý kiến đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và xây dựng chính sách định hướng chiến lược phát triển đất nước nói chung và cơ chế chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng nhằm giải quyết triệt để những vấn đề khó khăn trước mắt và lâu dài. Xây dựng các mô hình liên kết, chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ như chế biến nông, lâm sản, dược liệu, dịch vụ để thúc đẩy giảm nghèo đa chiều với 4 nhóm tiêu chí quan trọng là sinh kế cho nhân dân; sức khỏe và dinh dưỡng; giáo dục và đào tạo; đảm bảo an sinh xã hội, kết hợp lồng ghép đồng bộ giữa xóa đói, giảm nghèo với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ưu tiên tăng nguồn vốn cho các tỉnh chịu ảnh hưởng lũ lụt ở miền Trung.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đồng tình với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu về thực trạng, những khó khăn trong đời sống và bất cập của chính sách cũng như một số giải pháp được đại biểu đề xuất liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số là đúng với thực tế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc và ban hành Kết luận số 65 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo tinh thần đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trình Quốc hội.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể và ban hành Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là quyết sách mang tính lịch sử. Ngay sau đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết kèm theo Kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu về cơ chế, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đã được thành lập do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực. Hiện nay đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2020 và Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực cũng đã hoàn thành xây dựng 3 tiêu chí: Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Tiêu chí phân nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù trình với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp và dự toán kinh phí ngân sách của giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội. Nguồn vốn này đã được bố trí trong giai đoạn 2021 và vốn trung hạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, việc triển khai được thực hiện minh bạch, khi chúng ta hiện thực hóa mục tiêu chương trình quốc gia này thì sẽ giải quyết căn cơ những nội dung, những khó khăn và chắc chắn đời sống của đồng bào sẽ được nâng lên một bước.

Về nguồn lực thực hiện, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, trong lúc đất nước còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, đại dịch COVID-19 khiến nhiều chỉ tiêu thu không đạt nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn dành gần 5 tỷ USD, tương đương 104 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn này cho thấy đây là một sự quan tâm rất đặc biệt.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào miền Trung trong cơn bão lũ qua, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi thiệt hại nặng nề nhất cả về tài sản, tính mạng và cơ sở hạ tầng. Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, toàn xã hội rất quan tâm. Ban Bí thư có chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ vào tận nơi, vào tận bệnh viện thăm bà con dân tộc thiểu số bị thương vong và chỉ đạo cấp nào cấp tiền và không để dân bị đói, bị khát, không để bị bệnh mà không được cứu chữa. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối lại nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia này và sẽ ưu tiên tăng thêm cho các tỉnh vùng bị lũ miền Trung, góp phần giải quyết nhà ở và phục hồi sinh kế cho đồng bào, sớm ổn định cuộc sống./.

Lan Hương - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49656