Bộ trưởng Công Thương đề nghị ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu tiếp cận vốn

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn, cả về hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để nhập hàng.

Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đã thông tin về tình hình sản xuất của hai nhà máy lọc dầu trong nước Bình Sơn và Nghi Sơn những tháng đầu năm 2023.

Theo đó, nguồn cung xăng dầu từ nhập khẩu, sản xuất và pha chế trong quý I đạt gần 6 triệu m3/tấn, chiếm khoảng 22% tổng nguồn cung năm 2023, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu (VINPA) nhận định nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển, không nảy sinh vấn đề thiếu hụt nguồn cung dù nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị trục trặc về kỹ thuật vào thời điểm đầu năm 2023.

Tuy nhiên, đại diện VINPA cho rằng các doanh nghiệp đầu mối, cung ứng xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính để nhập hàng, cho dù hạn mức tín dụng vẫn đầy đủ, thậm chí dư thừa nhưng điều kiện cho vay rất khó, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Nguồn cung xăng dầu quý I ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân và doanh nghiệp. (Ảnh: Hoàng Anh)

Nhận định về tình hình thị trường xăng dầu trong nước quý I, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định hoạt động kinh doanh xăng dầu tương đối khá ổn định, tuy nhiên nguồn cung trong nước vẫn còn bị động bởi hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thời điểm gián đoạn, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Còn về nguồn cung nhập khẩu từ nước ngoài, một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, hệ thống kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng, trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn, cả về hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để nhập hàng.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm.

Thứ hai, các doanh nghiệp phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống, cả nguồn trong nước và nhập khẩu; theo dõi sát tình hình nguồn cung trong nước để chủ động nhập khẩu phù hợp (nhập sớm, đủ số lượng, đúng chủng loại).

Thứ ba, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh, từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Thứ năm, các doanh nghiệp đầu mối cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước, trong đó cần cam kết rõ ràng, các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm, để bảo đảm các thương nhân sản xuất cũng như kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng nội dung, sản lượng đã ký.

Thứ sáu, các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho Liên Bộ Tài chính – Công Thương để có cơ sở cập nhật chính xác các chi phí thực tế phát sinh vào công thức tính giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo các nhà máy lọc dầu cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường trong nước theo cam kết; yêu cầu các Nhà máy khi có sự cố tạm dừng hoạt động sản xuất thì phải kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng và các đầu mối mua hàng trước hàng tháng (trừ trường hợp bị sự cố bất ngờ) để chủ động về nguồn hàng, đồng thời cần hỗ trợ, bồi hoàn kinh phí, tránh gây thiệt hại cho các bên liên quan.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bo-truong-cong-thuong-de-nghi-ngan-hang-ho-tro-doanh-nghiep-xang-dau-tiep-can-von.html