Bộ trưởng Công thương lý giải nguyên nhân 'vỡ quy hoạch' điện mặt trời

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận Bộ Công thương đã không lường hết khả năng phát triển của năng lượng tái tạo, dẫn đến việc 'vỡ quy hoạch' điện mặt trời và hệ lụy của nó là sự quá tải của hệ thống truyền tải điện.

Tiếp tục phiên làm việc chiều 6-11, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đã chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về các vấn đề liên quan đến điện mặt trời, trong đó đề nghị giải thích việc vỡ quy hoạch điện VII khi công suất điện mặt trời hiện cao gấp 9 lần so với quy hoạch; cơ sở của mức giá 9,35cent/1kWh mà đại biểu cho là khá cao.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn.

Trả lời đại biểu Hà, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích sở dĩ số lượng dự án điện mặt trời vượt quy hoạch là do tại thời điểm phê duyệt quy hoạch điện VII (năm 2017), Bộ Công thương "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời". "Thời điểm đó, công nghệ cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời không đủ để tạo đột biến", ông Trần Tuấn Anh nói thêm.

Liên quan đến cơ chế giá ưu đãi 9,35 cent/kWh điện mặt trời trong 20 năm cho các dự án vận hành trước 30-6-2019, ông Trần Tuấn anh khẳng định cơ chế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Theo người đứng đầu ngành Công thương, khi xây dựng mức giá, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn và đối chiếu với tình hình Việt Nam. Ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh rằng sở dĩ phải đưa ra mức giá ưu đãi đó, vì giai đoạn trước, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu điện rất lớn vào năm 2019 – 2020.

"Điện mặt trời, điện gió được xem là một nguồn bổ sung đáp ứng cho nhu cầu phát triển", ông Tuấn Anh nói và cho biết Việt Nam hiện có hạ tầng cung cấp 4.900MW điện mặt trời hoàn tất, đi vào vận hành, đóng góp lớn cho nguồn điện cả nước.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận chính vì sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời đã kéo theo hệ lụy là sự quá tải của hệ thống truyền tải điện và việc công suất điện mặt trời không được giải tỏa hết, mới chỉ được giải tỏa 30-40%.

Hệ thống tải điện hiện chỉ cho phép các nhà máy điện mặt trời chạy 30-40% công suất.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ, xin bổ sung 15 dự án đường dây, trạm biến áp. Khi các dự án đi vào hoạt động thì khả năng giải tỏa công suất điện mặt trời sẽ lên đến 70%.

Tiếp tục vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) tiếp tục đặt câu hỏi: "Quá tải dự án điện mặt trời như vậy, trước khi ký cấp phép, bộ trưởng có nghe EVN báo cáo về khả năng quá tải này không?"

Trả lời ông Tuấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết việc phê duyệt các dự án điện mặt trời có những nguyên tắc cụ thể. Trong đó, dự án phải có thẩm định của địa phương về sử dụng đất, có xác nhận của Tổng công ty truyền tải điện (thuộc EVN) về phương án đấu nối và khả năng đấu nối, ba là năng lực của chủ đầu tư cũng như một số yêu cầu về mặt kỹ thuật.

Tuy vậy, ông Tuấn Anh thừa nhận: "Thời gian qua, cũng có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp của các cơ quan. Tôi nhìn nhận trách nhiệm chưa tổ chức thực hiện đầy đủ, bao quát, dự báo trước để có đối sách, giải pháp quyết liệt, nhất là trong việc xây dựng hệ thống truyền tải".

Tới đây, Bộ Công thương sẽ tính toán tham mưu sửa Luật Đầu tư để cho phép tư nhân tham gia xây dựng, đa dạng nguồn đầu tư trong lĩnh vực truyền tải, từ đó "khơi thông" khả năng giải tỏa công suất điện mặt trời, khắc phục tình trạng điện thiếu nhưng các nhà máy điện mặt trời không được chạy hết công suất.

Vinh - Nhân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-truong-cong-thuong-ly-giai-nguyen-nhan-vo-quy-hoach-dien-mat-troi-568818/