Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp điều hành phiên chất vấn.

Một trong nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng.

Đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) chất vấn, đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Đại biểu Dương nêu: “Có nên đề nghị Trung ương lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Tráng A Dương về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch covid-19.

Với đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ, ông Dung nói sẽ có đánh giá tác động kỹ lưỡng, căn cứ và hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép.

Đối với việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, thu sai bảo hiểm xã hội mà đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu ra, Bộ trưởng Dung cho hay năm 2022 chậm đóng và trốn đóng là 8.560 tỷ đồng, tăng 2,69% so với 2021. Trong đó, có 26.670 doanh nghiệp đơn vị chậm đóng, có một bộ phận là trốn đóng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, không sợ chậm nộp mà chỉ sợ trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chất vấn

Về giải pháp, Bộ trưởng nói đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội là người lao động thu đến đâu thực hiện chính sách đến đó, tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng, bảo lưu.

"Về lâu dài, sẽ sửa Luật Bảo hiểm xã hội, quy định bổ sung rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng", Bộ trưởng khẳng định, đồng thời cho biết thêm, mặc dù đã có quy định xử lý hình sự nhưng do chưa xác định rõ hành vi nên chưa xử lý được trường hợp này. Thêm nữa là việc áp dụng một số chế tài như dừng hóa đơn, hoãn xuất cảnh với người không chấp hành.…

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chất vấn

Với vấn đề cơ quan Bảo hiểm xã hội thu sai với chủ hộ kinh doanh cá thể, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc.

Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ đã chấn chỉnh Bảo hiểm xã hội, về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết.

Bộ trưởng cho biết, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, do đó, cần đánh giá rất cụ thể, tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định.

Vừa qua, Bộ đã kết thúc 8 đoàn kiểm tra, nhưng do đây là nội dung chưa được quy định trong luật nên cần phải đánh giá cụ thể.

“Chúng ta phải đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì công quan xin lỗi, xử lý. Hướng giải quyết là chuyển toàn bộ hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trường hợp không muốn/không có nhu cầu chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Nếu các bên không đồng ý thì thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động, tính lãi bằng tăng trưởng”, Bộ trưởng nói.

Các đại biểu tại phiên chất vấn

Về chậm, trốn đóng bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết số chậm đóng khoảng hơn 3 nghìn tỉ đồng. Số người bị ảnh hưởng do chậm đóng đều được kết nối để giải quyết chính sách theo đúng quy định.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần sửa luật, quy định hành vi để xử phạt nghiêm minh. Bộ trưởng cho biết, đến nay 2,91% chậm đóng. Nếu chậm đóng 1 tháng đã bị phạt. Thông thường chậm đóng do kiểm tra thu chi của các cơ quan quản lý chưa đến nơi đến chốn. Thời gian tới các cơ quan sẽ tăng cường kiểm tra tuy nhiên, điều lo ngại nhất là việc trốn đóng bảo hiểm.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đó là, đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động.

"Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia bảo hiểm xã hội nói riêng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách.

"Đặc biệt là sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội", người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Thành Công - Quý Đức

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-rut-bao-hiem-mot-lan-co-chieu-huong-gia-tang-20230606100624.htm