Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên qua hồi ức của người kế nhiệm

'Trong bất kỳ công việc gì từ đánh giặc đến sản xuất muốn thành công thì phải quyết tâm cao', TS Bùi Danh Lưu luôn ghi nhớ chỉ đạo của Bộ trưởng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sĩ Nguyên siết bulông tượng trưng tại Lễ nối liền dầm cầu Chương Dương (Hà Nội), ngày 17/2/1985

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sĩ Nguyên siết bulông tượng trưng tại Lễ nối liền dầm cầu Chương Dương (Hà Nội), ngày 17/2/1985

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Tư lệnh huyền thoại của Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559). Sau khi đất nước thống nhất, ông từng kinh qua nhiều trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ độ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT.

Trăn trở và khai sinh Chương Dương

Cán bộ nhân viên ngành Giao thông vận tải (GTVT) tự hào bởi có giai đoạn ông được Đảng, Nhà nước cử kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT (1982-1986). Sau ngày nghỉ hưu, với tài năng và đức độ của mình, ông còn được giao trọng trách Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thời kỳ tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Bộ trưởng Bộ GTVT, “bức tranh” GTVT có thể nói vô cùng “ảm đạm”. Đất nước sau khi thống nhất lại phải gồng mình trước 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới do vậy hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải nghèo nàn, cũ nát. Ngay như đối với Hà Nội, ùn tắc qua cầu Long Biên trở thành nỗi “khiếp đảm”- cây cầu mà nhiều người dân gọi đùa là “cầu dài nhất thế giới”.

Cửa ngõ phía Bắc Hà Nội những ngày đó người, xe hỗn độn, căng cứng, cả Thủ đô trở nên ngột ngạt. Đi công tác Hải Phòng, Hải Hưng... nếu không về trước 16h00 thì chắc chắn 22h00 mới vượt qua được cầu Thăng Long. Gần như đông cứng hai đầu cầu.

Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên ngày đêm trăn trở vì điều này, riêng với Thủ đô, ông khát khao làm được cây cầu qua sông Hồng nhưng “lực bất tòng tâm” bởi kẹt cả vốn và kỹ thuật.

Thời đó, TS. Bùi Danh Lưu vừa được “cất nhắc” từ Phó Viện trưởng Viện kỹ thuật giao thông lên giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT.

GS.TS Bùi Danh Lưu sau này kể trong hồi ức: “Năm 1984 tướng Nguyên đề xuất xây dựng cầu vượt sông Hồng cho xe ô tô ngay tại khu vực phố Hàng Mắm. Lập tức vấp phải phản đối. Gần 100 cuộc họp để thảo luận. Các phương án cầu được trưng cầu ý kiến nhân dân. Cuối cùng phương án tối ưu được trình lên Bộ Chính trị”.

Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên là người kiên quyết bảo vệ phương án phải xây dựng cầu Chương Dương khi chúng ta định chỉ làm duy nhất cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng tại địa bàn Thủ đô.

Buổi họp thông qua phương án cầu vượt sông Hồng, giảm ùn tắc cho Hà Nội có mặt Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các lãnh đạo cao cấp khác như Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Đỗ Mười. Tất nhiên không thể thiếu Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên. Tên cầu lúc bắt đầu khởi công được mang tên "Cầu treo mùa xuân", sau đó đổi lại “Chương Dương” theo đề xuất của Phó Thủ tướng Tố Hữu.

Cầu Chương Dương được thiết kế là cầu dầm thép vĩnh cửu, tuổi thọ ít nhất cũng phải 40 - 50 năm. Chỉ có một trụ phía Bắc cầu (phía Long Biên) là đóng cọc thép do vị trí nền đất yếu, thời điểm đấy công nghệ của mình chưa thể xử lý được bùn lún, nhưng dù đóng cọc thép vẫn phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng. Thời điểm xây dựng cầu, do yêu cầu cấp thiết phải có ngay cây cầu để chia sẻ gánh nặng cho cầu Long Biên, nên cầu Chương Dương được quyết định xây dựng nhanh, và để sớm có cầu thì lựa chọn dầm thép là tối ưu nhất.

Tháng 6/1986 chỉ sau 1 năm 9 tháng thi công cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng. Cây cầu đi vào lịch sử với tên tuổi TS. Bùi Danh Lưu, nhưng suốt quá trình thi công Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên thường xuyên có mặt trên công trình chỉ đạo.

Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên suốt cả cuộc đời không chỉ “ký thác” vào những con đường thời chiến tranh mà còn những con đường, cây cầu, dòng sông, bến cảng thời đất nước tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, thứ V của Đảng.

Ngày 17/2/1985, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên cùng các đại biểu làm lễ nối liền dầm cầu Chương Dương.

Bài học về chọn cán bộ

Thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ GTVT, Tướng Đồng Sỹ Nguyên còn phát hiện ra một cán bộ tài năng, đức độ giúp ông thực hiện các kế hoạch phát triển của ngành GTVT không chỉ trước mắt mà cả sau này đó là TS. Bùi Danh Lưu. Đến nay, GS.TS Bùi Danh Lưu là người giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT dài nhất, 11 năm.

Khi “nhấc” TS. Bùi Danh Lưu từ Phó Viện trưởng lên Thứ trưởng, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đánh giá "Bùi Danh Lưu là con người được đào tạo bài bản, rất thông minh, chịu khó, làm việc giỏi mà không kiêu căng, rất khiêm tốn”.

Nhớ lại những ngày lăn lộn trên công trình cầu Chương Dương cùng Thứ trưởng Bùi Danh Lưu, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên sau này tâm sự: "Tôi thành công vì đã tìm được Bùi Danh Lưu, tôi đưa từ Viện phó Viện Kỹ thuật giao thông lên Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật ít ngày rồi lên Thứ trưởng, Bùi Danh Lưu làm Cầu Chương Dương rất giỏi, tôi bảo vệ chủ trương làm cầu sắt vĩnh cửu, còn về kỹ thuật và thi công là ông Lưu chỉ đạo trực tiếp”.

Cầu Chương Dương đến bây giờ vẫn được coi là biểu tượng của tinh thần tự lực, tự cường Việt Nam. Công nghệ giếng chìm chở nổi khi Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long được nghiên cứu, cải tiến để đổ trụ. 2 búa đóng cọc Delmah bị “xếp xó” từ lâu trở thành phương tiện chủ lực đóng cọc thép. Công nghệ hàn dầm cầu và sử dụng bulong cường lực cao được Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên cùng Thứ trưởng Bùi Danh Lưu chỉ đạo và đưa vào áp dụng. Vật tư thiếu được đi thu gom từ vật tư sót lại trên các công trường khôi phục đường sắt Bắc - Nam, cầu Thăng Long trước đó về gia công lại...

“Cầu Chương Dương hiện nay so với các cầu mới dù có hơi xấu, nhưng nó đi vào lịch sử, kỷ niệm một thời đất nước gian truân”, sau này Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại với tất cả tự hào.

Còn TS Bùi Danh Lưu lại luôn ghi nhớ lời người tiền nhiệm: “Trong bất kỳ công việc gì từ đánh giặc đến sản xuất muốn thành công thì phải quyết tâm cao”.

Cầu Chương Dương về đêm.

Trong hồi ký của cuốn sách “Người của những con đường” - nhiều tác giả, GS. TS. Bùi Danh Lưu nhớ lại cảm xúc khi được giao chức Bộ trưởng từ tay người tiền nhiệm: “Tôi vô cùng xúc động và cám ơn anh Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng Tư lệnh đường Trường Sơn và là một vị Bộ trưởng đầy tâm huyết của ngành GTVT. Anh là nhà chiến lược, quyết đoán mạnh mẽ, không chùn bước trước khó khăn nào”.

"Là người lãnh đạo, có tài chưa đủ, phải có tâm, cần khiêm tốn học hỏi, nghe nhiều hơn nói nhiều", sau này nguyên Phó Chủ tịch HĐBT, Bộ trưởng Bộ GTVT, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tâm sự. Đúng vậy, lời nói của ông có ý nghĩa như một thông điệp.

Ngô Đức Hành

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bo-truong-dong-sy-nguyen-qua-hoi-uc-cua-nguoi-ke-nhiem-d417022.html