Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: Công tác thanh tra giáo dục cần đúng và trúng!

Ngày 6/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Siết chặt thanh, kiểm tra

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị.

Và để triển khai thực hiện Luật, ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Nghị định đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung chính căn bản về 4 nhóm vấn đề như hệ thống cơ sở giáo dục ĐH; hội đồng trường và hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, hệ thống văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học và một số vấn đề khác.

Để tăng hiệu quả thực thi Luật Giáo dục Đại học, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ 3 nhóm chủ thể chính, đó là Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục ĐH và các cơ sở giáo dục ĐH cần làm "tròn vai".

Với nhóm nhiệm vụ thuộc về các vụ cục thuộc Bộ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản để triển khai Nghị định 99 và các văn bản pháp luật khác liên quan theo tinh thần không phát sinh các thủ tục hành chính và bám sát vào tinh thần tự chủ đại học, đồng thời chú trọng đến các đối tượng chịu tác động là các cơ sở giáo dục ĐH.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục đại học quốc gia. Trên cơ sở chuẩn cơ sở dữ liệu thì chuẩn kết nối; từ điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng đầu ra, tất cả các chỉ số của một cơ sở giáo dục đại học phải được công khai, qua đó xã hội và các bên liên quan giám sát.

Trong công tác thanh tra của các cơ quan thuộc Bộ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, chúng ta có thanh tra, nhưng đâu đó, lúc này lúc khác còn chưa hết, dẫn đến còn "góc khuất" chưa được phơi bày.

Vậy nên thời gian tới người đứng đầu ngành Giáo dục yêu cầu công tác thanh tra phải có quy định, không tràn lan, thanh tra đúng trọng tâm trúng trọng điểm. Đồng thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khuyến nghị các cơ sở giáo dục đại học cần kiện toàn bộ phận thanh tra, pháp chế; tăng cường năng lực cho thanh tra đủ mạnh để chủ động rà soát, khắc phục các vấn đề của nhà trường.

Với nhóm nhiệm vụ thuộc cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng yêu cầu vẫn thực hiện chế độ chủ quản, nhưng theo một cách rất khác.

Cụ thể, nếu cơ quan chủ quản trước đây nặng về tính hành chính, coi đại học, trường đại học như đơn vị trực thuộc giống như các đơn vị khác, áp các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, các chế độ khác… Nhưng nay, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ ngành, hay địa phương phải thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định 99.

Vấn đề tiếp theo liên quan đến các cơ quan chủ quản được Bộ trưởng nhấn mạnh là chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trường; trong đó, có việc cử đại diện đủ năng lực, trách nhiệm để tham gia Hội đồng trường.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng là phải tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ. Những vấn đề xảy ra trong nhà trường, trước hết nhà trường phải tự phát hiện ra, sau đó là cơ quan chủ quản phải phát hiện và xử lý, sau đó mới đến cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ GD&ĐT.

Kiện toàn hội đồng trường

Với các cơ sở giáo dục đại học, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần phải có kế hoạch chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trường theo lộ trình quy định; tuyệt đối không vì năng lực hay trách nhiệm còn hạn chế mà để chậm trễ quy định này. Người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm với cơ quan chủ quản về tiến độ, chất lượng kiện toàn Hội đồng trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các nhà trường phải tổ chức xây dựng các văn bản, quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường; trong đó đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng trường bảo đảm chất lượng.

“Trong quá trình làm cần bám sát Luật, Nghị định, bám sát các văn bản khác và tham khảo các cơ sở giáo dục ĐH khác. Bộ GD&ĐT sẽ không có hướng dẫn thêm, để các trường chủ động, nhưng sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, đồng hành cùng các trường để có thể xây dựng được quy chế tốt, khả thi”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, các trường cần lưu ý có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là Hội đồng trường; từng vị trí phải rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị nội bộ của Ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được Hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau.

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục đại học, cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định số 138, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để sớm trình Chính phủ ban hành.

"Chúng ta phải nghiêm để một mặt khuyến khích các trường làm tốt, nhưng đồng thời cũng phải răn đe, có chế tài xử phạt nghiêm các trường làm không tốt", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bo-truong-giao-duc-va-dao-tao-cong-tac-thanh-tra-giao-duc-can-dung-va-trung-118377.html