Bộ trưởng Giao thông cam kết không xảy ra bức xúc khi thu phí

'Đầu vào sẽ tăng cường kiểm tra, quyết toán kịp thời để xác định từng dự án BOT đầu tư bao nhiêu tiền. Còn đầu ra thông qua thu tự động để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, quyền lợi của người dân, chắc chắn sẽ không tạo nên những điểm bức xúc', Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Tham vấn và lấy ý kiến của người dân

Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, dự án có 8/11 dự án thành phần thực hiện theo hình thức BOT trong điều kiện Quốc hội vừa thực hiện giám sát và chỉ ra nhiều hạn chế của hình thức này. Do đó, ông Hàm đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục các sai sót, hạn chế bất cập đã chỉ ra, đưa vào nghị quyết của Quốc hội, làm căn cứ triển khai.

“Các biện pháp cần phải đảm bảo rõ tiêu chí để lựa chọn dự án, tiêu chí đánh giá năng lực, lựa chọn nhà đầu tư…để đảm bảo nhà đầu tư thực góp vốn; chỉ áp dụng hình thức BOT với tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân; đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu; quy định tham vấn và lấy ý kiến của người dân, quy định vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí để đảm bảo chỉ nộp tiền khi sử dụng đường và đúng số km sử dụng”, ông Hàm kiến nghị.

Một điểm khác, theo đại biểu Hàm, 8 dự án BOT đều trộn lẫn ngân sách trong chi phí xây dựng, trong khi chưa đánh giá hợp lý khả năng hoàn vốn, chưa có tiêu chí để xác định ngân sách sẽ đầu tư đoạn đường nào, tính toán số liệu trong báo cáo là chưa thuyết phục.

Ông Hàm đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn, làm cơ sở bố trí kinh phí ngân sách, minh bạch giữa ngân sách và thu phí. Các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí GPMB, chi phí lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự án dự toán, đấu thầu, quyết toán. Chi phí xây dựng, nhà thầu, nhà đầu tư bỏ vốn toàn bộ và thu phí hoàn vốn.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định), người đã triển khai nhiều dự án BOT giao thông, không đồng tình với nhìn nhận của ông Hàm. Theo ông Dũng, ngay cả khi Nhà nước bỏ ra 55 nghìn tỉ đồng, bao gồm cả chi phí GPMB và góp vốn đầu tư, xây lắp trong khi tư nhân đầu tư khoảng 63 nghìn tỷ, thì Chính phủ vẫn e ngại gặp khó khăn khi đấu thầu. Do đó, nếu nhà đầu tư làm tất 100% và Nhà nước chỉ GPMB thì việc triển khai “chắc chắn sẽ không khả thi”. Cũng theo ông Dũng, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc vận động đầu tư, mời nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa kêu gọi được nhà đầu tư nào tham gia.

Chấm dứt chỉ định thầu, minh bạch trong thu phí

Giải trình về 8 dự án BOT trên tuyến cao tốc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã có sơ kết, rút kinh nghiệm 5 năm thực hiện trên Quốc lộ 1. Theo ông Thể, các khiếm khuyết đã nhìn thấy và sẽ khắc phục, qua đó sẽ đấu thầu toàn bộ dự án. Đấu thầu lần một không xong sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đấu thầu lần hai. Nếu chậm, không sử dụng hết vốn ngân sách, đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho dùng hết 55 nghìn tỷ đồng đang có.

Ông Thể lý giải, trước đây theo thông tư hướng dẫn, khi đấu thầu lần một không thành công thì được chỉ định thầu, nhưng lần này dù cho phép vẫn tiếp tục đấu thầu và không chỉ định thầu như trước đây. Người đứng đầu Bộ GTVT cũng cho biết, việc thu phí sẽ theo hình thức kín, vào ra bao nhiêu trả bấy nhiêu chứ không thu phí hở. Đồng thời sẽ thu tự động để việc đi lại thuận lợi, đảm bảo công khai minh bạch, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng như người dân.

“Đầu vào sẽ tăng cường kiểm tra, quyết toán kịp thời để xác định từng dự án đầu tư bao nhiêu tiền. Còn đầu ra thông qua thu tự động để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, quyền lợi của người dân, chắc chắn sẽ không tạo nên những điểm bức xúc”, ông Thể khẳng định.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-truong-giao-thong-cam-ket-khong-xay-ra-buc-xuc-khi-thu-phi-1208115.tpo