Bộ trưởng Giao thông không thể trả lời khi nào hết ùn tắc

(Toquoc) - Ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, chất lượng công trình và tính toán vốn trong điều kiện hiện nay… là các vấn đề nóng được đưa ra trong phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp Quốc hội lần này.

Lần đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông, cũng là người đầu tiên trả lời chất vấn, vị Bộ trưởng nổi tiếng về "trảm tướng" và đưa ra một loạt chỉ đạo "nóng" với vấn đề giao thông thời gian qua, ông Đinh La Thăng sáng nay đã có phần bối rối trước những câu hỏi hóc búa và khó về vấn nạn giao thông nước nhà.

Câu hỏi bao giờ hết cảnh ùn tắc ở các đô thị lớn vẫn chưa được Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định (Ảnh: S.Đào)

Giảm 5-10% tai nạn giao thông trong năm 2012

Giờ đăng đàn của bộ trưởng Thăng sáng nay cũng trùng với giờ đi làm, đi học của người Hà Nội. Trời mưa. Nhiều tuyến đường tiếp tục chật cứng phương tiện giao thông, ùn tắc tiếp tục xảy ra. Thời điểm đó, vấn đề tắc nghẽn giao thông cũng gây… ách tắc trong nghị trường với với cả chục câu hỏi dành cho bộ trưởng Thăng.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Thuyền (Lâm Đồng) đặt thẳng câu hỏi về giải pháp mang tính đột phá cho vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông hiện tại. Đây cũng là câu hỏi được cho là bao trùm trong phiên chất vấn sáng nay.

Dù coi đây vinh dự khi là thành viên trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận có sự lúng túng và mong sự thông cảm từ các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

"Chính phủ nhiệm kỳ mới được 3 tháng 20 ngày. bản thân tôi nhận nhiệm vụ được 3 tháng 15 ngày, so với nhiệm kỳ 60 tháng, tôi mới được 5,5% thời gian đương nhiệm và đang ở bước xuất phát. Chúng tôi cần có thời gian nhất định để nắm bắt và đưa ra ý tưởng, giải pháp để hành động. Trong đó có nhiều việc phải hành động ngay chứ không nhất thiết phải chờ có tổng thể các biện pháp" - ông Thăng nói.

Về vấn đề ùn tắc giao thông, theo ông Thăng, mấu chốt là việc hoàn thiện, nâng cao cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh và coi đây là điểm nghẽn cần tập trung làm điểm đột phá trong 10 năm tới. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng tuyến giao thông Bắc Nam, mở rộng quốc lộ 1A, tiếp tục đầu tư đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, vành đai biên giới và đầu tư cho giao thông nông thôn.

Thứ hai, ông Thăng cho rằng phải đầu tư đồng bộ hệ thống đường sắt, hàng không, thủy nội địa, bộ, biển và cảng biển đầu mối, tập trung vào các tuyến này với công nghệ hiện đại. Đồng thời, tập trung nghiên cứu lập dự án để xây dựng đường sắt tốc độ cao trước mắt là lập nghiên cứu dự án tuyến Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang để trình Quốc hội.

Một trọng tâm mà ông Thăng đưa ra để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông nữa là, tập trung nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước. "Tai nạn, ùn tắc giao thông do ý thức người dân hay hạ tầng yếu kém? Nguyên nhân quan trọng nhất là quản lý nhà Nước chưa đáp ứng yêu cầu, còn yếu kém dẫn tới việc người dân tham gia giao thông chưa tốt" - ông Thăng đặt câu hỏi và đưa ra câu trả lời.

Đồng thời khẳng định, nếu quản lý tốt, tuyên truyền tốt , ý thức người dân sẽ tốt hơn. Ngoài ra, để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ông Thăng cũng đề xuất các ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình chứ không chỉ coi đó là việc của riêng ngành giao thông.

Về ùn tắc giao thông, ông Thăng cho hay, Thủ tướng đã giao chính quyền đặc biệt là hai TP lớn: Hà Nội và TP HCM xử lý vấn đề này. Tuy nhiên với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với hai địa phương nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tìm kiếm giải pháp đồng bộ cho ùn tắc. "Tuy nhiên, chúng ta không chờ đồng bộ mới thực hiện mà thực hiện ngay những giải pháp trước mắt và lâu dài trong chiến lược" - ông Thăng nói.

Cụ thể, việc điều chỉnh giờ làm là việc trước mắt nhưng nằm trong tổng thể giải pháp được đưa ra chứ không phải là manh mún,chắp vá. Ông Thăng cho rằng, nếu chờ giải đồng bộ thì không bao giờ làm được.

Ông Thăng cũng cho hay, năm 2012 được chọn là năm an toàn giao thông và năm thực hiện đảm bảo trật tự kỷ cương an toàn giao thông, toàn dân tham gia giảm ùn tắc giao thông với mục tiêu giảm 5-10% tai nạn giao thông và ùn tắc sẽ được giảm đáng kể tại các TP lớn.

Vấn đề này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là quyết tâm rất lớn của Bộ trưởng.

Cho rằng Bộ trưởng đã trả lời lòng vòng, nhiều đại biểu đã thực hiện tái chất vấn. Ông Thăng khẳng định, biện pháp đột phá phải là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước mà những cán bộ thực thi công vụ phải hành động kiên quyết. Giờ cũng không phải là lúc bàn luận thực hiện giải pháp này hay giải pháp khác bởi mỗi ngày có 6 người chết và bị thương vì tai nạn giao thông.

"Toàn dân phải hành động còn bao giờ hết ùn tắc và tai nạn thì tôi không khẳng định được. Chỉ có thể giảm từng bước" - ông Thăng nói.

Thay Ban quản lý yếu

Nhiều đại biểu đã bức xúc đặt vấn đề về chất lượng công trình giao thông hiện nay và yêu cầu tân Bộ trưởng phải đưa ra được giải pháp rốt ráo cho vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho rằng, ùn tắc và tai nạn giao thông cũng còn do công trình trong ngành giao thông làm chậm, hỏng nhanh, chất lượng thấp, trách nhiệm đùn đẩy, tiền đầu tư bị thất thoát. Cao tốc TP HCM - Trung Lương mà giám đốc Ban quản lý dự án vừa bị Bộ trưởng Thăng đình chỉ nhiệm vụ - được nhiều đại biểu dẫn ra để chất vấn như một vấn nạn của chất lượng các công trình giao thông hiện nay.

Thừa nhận những vấn đề đại biểu nêu, bộ trưởng Thăng cho hay, các dự án cần phải lựa chọn ban quản lý có chất lượng, nhà thầu đảm bảo năng lực, tiến độ đảm bảo và chất lượng tốt hơn. Đặc biệt cần công khai minh bạch trong quá trình thực hiện. "Tôi hy vọng việc thay thế kịp thời các ban quản lý không đủ yêu cầu cũng như nhà thầu chắc chắn tiến độ dự án sẽ tốt hơn" - ông Thăng nói.

Với dự án cao tốc TP HCM- Trung Lương, nguyên nhân chính theo ông Thăng là chất lượng ban quản lý yếu kém, tinh thần không cao, tư vấn giám sát kém. Ngoài việc đình chỉ giám đốc ban điều hành dự án, bố trí ban điều hành khác, nhà thầu phải thi công khắc phục lại từ tháng 12 và tự trả kinh phí, các nhà thầu đó tiếp tục chịu trách nhiệm bảo hành đến cùng với con đường. Không chỉ con đường này mà các dự án khác cũng phải làm như thế, ông Thăng quả quyết.

Về vấn đề vốn cho các công trình giao thông trong điều kiện thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, ông Thăng cho rằng Nghị quyết không phải là cái để đổ lỗi mà cần tập trung ưu tiên vốn trước mắt cho các dự án cần kíp. Còn với riêng dự án giao thông, khi cân đối được vốn sẽ báo cáo với Chính phủ cho triển khai ngay các dự án cấp bách.

"Đúng là khi dừng các dự án giao thông, rất nhiều bất cập, thiệt hại xảy ra nhưng trong cấn đối vĩ mô, cần giảm bội chi ngân sách, giảm đầu tư công, các đại biểu cũng chia sẻ cho vấn đề này. Về mặt lâu dài sẽ có giải pháp để thu hút vốn từ ngoài vốn ngân sách" - ông Thăng khẳng định.

Ông Thăng phân tích, nhu cầu vốn cho giao thông sẽ là 4 triệu 500 nghìn tỉ tới năm 2020 và không thể chông chờ vào vốn ngân sách. Để có vốn, quan điểm là phải thay đổi tư duy trong xây dựng quy hoạch đầu tư tập trung dứt điểm, hướng vào mục tiêu tập trung phát triển giao thông chứ không phải là tiền bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu. Huy động mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế và nước ngoài theo cơ cấu 40% vốn ngân sách, còn lại là vốn ngoài Nhà nước.

Ngoài ra, cần đột phá thực hiện chính sách lấy hạ tầng nuôi hạ tầng, phí và lệ phí chuyển đổi để thu hút đầu tư và có tiền đầu tư tiếp. Đồng thời, đột phá về cơ chế giải phóng mặt bằng,đây là nguyên nhân cản trở lớn hoàn thiện công trình do chậm 3-5. Thêm nữa là đột phá trong thi công, bổ sung, sửa đổi luật đấu thầu hiện nay bởi nếu luật hiện nay không chọn được nhà thầu đủ năng lực" - ông Thăng trình bày giải pháp và cho hay, đang có đề án báo cáo Chính phủ về các vấn đề này.

Ý kiến các Bộ trưởng về ùn tắc và vốn đầu tư cho giao thông

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Về giải pháp chống ùn tắc, trước mắt Bộ Xây dựng đồng tình với giải pháp của Bộ Giao thông là kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chất tải trong nội thành của hai TP lớn. Tập trung hoàn thiện pháp luật về phát triển, quản lý đô thị thay vì phát triển tự phát như hiện nay. Đồng thời bố trí hợp lý công trình vùng, quy hoạch hạ tầng giao thông xây dựng theo lộ trình đưa ra gồm cả công trình trên cao, ngầm; dịch vụ đồng bộ hạn chế di chuyển của người dân theo hình con lắc. Kiểm soát tăng dân số cơ học tại các quận nội thành, chuyển dần nội thành ra ngoài.

Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang: Tăng cường quản lý hoạt động vận tải ô tô, xe khách và tàu du lịch, có biện pháp quản lý lái xe sau khi cấp bằng, ban hành phiếu kiểm soát lái xe vi phạm. Tăng cường tổ chức giao thông và nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu giao thông, xử lý điểm đen giao thông.

Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng mức phạt, áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu xe, trả tiền phạt qua tài khoản, nghiêm cấm lãnh đạo các cấp không can thiệp vào các vụ việc xử phạt vi phạm an toàn giao thông.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, Đầu tư Bùi Quang Vinh: Chính phủ có nhiều quan điểm mới cho đầu tư giao thông, đổi mới tư duy, nguồn lực cho giao thông mở ra nguồn lực ngoại, giảm đầu tư công ở chừng mực.

Trong lúc đầu tư công giảm dần thì phải tăng nguồn lực từ trong và ngoài nước khác. Vốn ngân sách nhà nước được sử dụng theo hướng: tất cả cơ sở hạ tầng giao thông có khả năng thu hồi vốn thì hạn chế sử dụng vốn ngân sách. Ngân sách nhà nước chỉ là vốn đối ứng, vốn mồi để nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại kêu gọi từ bên ngoài, xu thế tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lớn chứ không phải là không có.

Song Đào

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Thoi-Su/Bo-Truong-Giao-Thong-Khong-The-Tra-Loi-Khi-Nao-Het-Un-Tac.html