Bộ trưởng GTVT: Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm đường cao tốc

Bộ trưởng GTVT trả lời đại biểu Quốc hội về kế hoạch phát triển cao tốc tại ĐBSCL và các giải pháp đảm bảo ATGT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8

Dùng nhiều nguồn lực mở thêm cao tốc

Chiều 15/8, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn của đại biểu về đường kết nối từ Đồng Tháp qua Cao Lãnh, Rạch Giá, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đang được khẩn trương thực hiện, đoạn từ Cao Lãnh đến Vàm Cống đã thông, đoạn từ Vàm Cống đến Rạch Sỏi, Rạch Giá khoảng quý I/2020 sẽ xong và Bộ GTVT đã thống nhất với địa phương, nhà tài trợ nâng cấp tuyến này thành cao tốc. Hiện nay tuyến đường này đã có 4 làn xe và dải phân cách giữa.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm 1 số hạng mục để biến 70km đường này thành đường cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi xong tuyến này, thì đường Trung Lương - Mỹ Thuận cũng cơ bản hoàn thành. Hai đường này cần có 1 đường kết nối, có thể là đi từ TP. HCM về Kiên Giang”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Thể, trước đây chúng ta phụ thuộc vào vốn ngân sách, vốn ODA, vì nhu cầu nguồn vốn quá lớn, nên trước mắt mới làm được tuyến Cao Lãnh đến Rạch Sỏi. Chính vì thế, đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận và từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ phải đầu tư theo hình thức PPP, kêu gọi nguồn vốn của xã hội.

“Chúng tôi đã làm việc với Đồng Tháp, Tiền Giang, đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc nối từ cầu Cao Lãnh đến An Hữu theo hình thức PPP, các địa phương sẽ bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, phần còn lại khoảng 3.000 tỷ đồng sẽ thu xếp từ các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư”, Bộ trưởng thông tin và khẳng định, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT sẽ tập trung để kết nối 2 tuyến đường sớm nhất. Khi đó, bà con có thể đi từ TP.HCM đến Kiên Giang trên hệ thống đường cao tốc.

Hoan nghênh mọi sáng kiến về ATGT

Tại phiên chất vấn, khi ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu mô hình “Chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở, ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt” giúp tiết kiệm ngân sách, ách tắc giao thông, đặc biệt để thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu của các cấp, các ngành và hỏi ý kiến của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành GTVT đã hoan nghênh sáng kiến của đại biểu Thủy và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang.

“Nếu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang xung phong thì Bộ GTVT xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm. Nếu có kết quả tốt thì nhân rộng ra chứ chưa thể áp dụng đại trà", Bộ trưởng nói.

Cũng trong phiên chất vấn chiều nay, trả lời câu hỏi của Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) về tình hình trật tự ATGT còn nhiều diễn biến phức tạp, TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra, có vụ xảy ra liên tiếp trong cùng 1 khu vực, Bộ trưởng GTVT nhìn nhận, khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình TNGT có chuyển biến tốt. Nhưng trong năm 2018 và từ đầu năm 2019 đến nay, có 1 số vụ TNGT nghiêm trọng diễn ra.

Theo Bộ trưởng, để xảy ra TNGT, về nguyên nhân khách quan, là do hệ thống hạ tầng của chúng ta được hình thành từ xa xưa, đường nhỏ, khu dân cư đông đúc. Khi những tuyến đường nhỏ này được nâng cấp thành quốc lộ, thì sẽ xuất hiện nhiều nút giao hết sức phức tạp. Rồi một số tuyến đường lưu lượng phương tiện tăng rất nhanh, nhất là khu vực có KCN, các đô thị lớn, điều đó dễ dẫn đến ùn tắc và TNGT.

Về nguyên nhân chủ quan, Tư lệnh ngành GTVT thẳng thắn phân tích, vai trò của một số cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đảm bảo ATGT vẫn còn những tồn tại. Như Tổng cục Đường bộ quản lý các tuyến đường chưa kịp thời đưa ra các giải pháp để xử lý như bổ sung biển báo, sửa chữa chất lượng mặt đường... Công tác đăng kiểm các phương tiện vận tải, vẫn còn có một số phương tiện chưa đảm bảo đúng quy trình, chất lượng kém. Công tác đào tạo sát hạch, cấp GPLX cũng cần tăng cường giáo trình, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng.

“Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân liên quan đến người tham gia giao thông, ý thức chấp hành của một số lái xe chưa nghiêm, còn phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng bia rượu, chất kích thích trong quá trình điều hành phương tiện dẫn đến những vụ TNGT nghiêm trọng”, Bộ trưởng khẳng định, Bộ GTVT đã phân tích các nguyên nhân và đang phối hợp cùng chính quyền địa phương, Ủy ban ATGT tập trung xử lý, khắc phục.

Trước câu hỏi của ĐBQH về liên kết vùng ở cụm cảng phía Nam Cái Mép - Thị Vải (Tp. HCM), Bộ trưởng cho biết, hiện cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được triển khai, dự kiến năm 2024 hoàn thành, sẽ đưa lượng khách và hàng hóa từ miền Tây đến QL51 để xuống Cái Mép - Thị Vải.

Đồng thời, Bộ GTVT hiện đã làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, thống nhất giao Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hình thành cao tốc từ Biên Hòa xuống Vũng Tàu, cụ thể là xuống cảng Cái Mép - Thị Vải.

“Với hai cao tốc mà tôi vừa nói, khả năng thông hàng của cảng Cái Mép -Thị Vải sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, Bộ GTVT đang có đề án nghiên cứu phát triển GTVT vùng Đông nam bộ, trong đó cũng có cảng Cái Mép - Thị Vải”, Bộ trưởng Thể thông tin.

An Na

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-de-xuat-chu-tich-tinh-di-xe-may-bo-truong-gtvt-noi-gi-d431122.html