Bộ trưởng GTVT: Không phải có sân bay là khách đến, có cảng là có tàu

Ghi nhận kiến nghị của Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng gợi ý giải pháp về nhiều vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sáng 18/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc tại tỉnh Ninh Thuận nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu; lắng nghe địa phương trình bày những khó khăn, vướng mắc đang là rào cản để báo cáo Chính phủ có giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Cần biến tiềm năng thành động lực

Trong báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, bên cạnh các vấn đề kinh tế - xã hội, có nhiều kiến nghị về giao thông.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, hạ tầng giao thông là một trong những điểm nhấn trong đầu tư công giúp tỉnh hình thành động lực và lan tỏa sự phát triển.

Trong đó, điển hình là đường nối thị trấn Tân Sơn (Ninh Thuận) - Tà Năng (Lâm Đồng) dài 62,45km, tổng mức đầu tư 1.494 tỉ đồng. Dự án có vị trí liên kết 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa, phá thế chia cắt, giải quyết ách tắc lưu thông qua đèo Ngoạn Mục, gia tăng giá trị và phát triển quỹ đất hai bên đường.

Một đoạn cao tốc đi qua tỉnh Ninh Thuận

Hay như tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam vào QL1 và cảng tổng hợp Cà Ná dài 14,5km có mức đầu tư trên 900 tỉ đồng kết nối với khu công nghiệp Cà Ná, thu hút phát triển mạnh mẽ công nghiệp, tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông hạ tầng.

Trong các kiến nghị về hạ tầng giao thông, đáng chú ý có kiến nghị chuyển đổi sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng, giao tỉnh Ninh Thuận là cơ quan có thẩm quyền lập đề án đầu tư theo hình thức PPP. Theo UBND tỉnh, sân bay Thành Sơn khi đưa vào khai thác sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông của tỉnh, tạo động lực cho các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, logistics… phát triển.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận

Báo cáo của tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu, bàn giao mốc thi công và dự kiến hoàn thành vào 2025. Bên cạnh đó, cảng tổng hợp Cà Ná đã hoàn thành bến 1A, tiếp nhận tàu 100.000 tấn và bến 1B dự kiến hoàn thành trong 2025.

Trong quy hoạch, cảng có thể tiếp nhận tàu 300.000 tấn và hướng đến hình thành cảng trung chuyển quốc tế.

Video: Buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng với tỉnh Ninh Thuận

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất về nguyên tắc và hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam cũng đang kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: “Không phải có sân bay là có khách bay, vấn đề là có gì để khách đến, đến để làm gì?”.

Nguồn khách rất quan trọng là khách lao động chuyên gia, đây chính là lượng khách lớn nhất của các địa phương đang phát triển. Muốn như vậy phải có khu công nghiệp, có thị trường lao động mạnh”.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, có sân bay rồi, vấn đề tiếp theo là thuyết phục các hãng bay. Ông nói: “Vấn đề thuyết phục một hãng bay hợp tác rất quan trọng. Có thể ban đầu tỉnh phải bỏ ra một khoản chi phí để chia sẻ với các hãng bay, thậm chí có thể chia sẻ khoản lỗ thời gian đầu...".

Liên quan đến kiến nghị của tỉnh về phát triển cảng Cà Ná theo định hướng cảng trung chuyển quốc tế, Bộ trưởng chỉ ra: “Có cảng không có nghĩa là có tàu. Ai đến đây? Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Tất cả các cảng trên thế giới đều là kêu gọi nhà đầu tư hết. Các doanh nghiệp đó là các doanh nghiệp có mạng lưới và có quan hệ tốt với các hãng tàu, các đại lý. Đầu tư lớn mà không có hàng thì sẽ không hiệu quả”.

Với các kiến nghị của tỉnh như bổ sung hai vị trí cảng cạn Cà Ná và cảng cạn Du Long, xây dựng Trung tâm logistics hạng II cấp vùng tại Cà Ná, hỗ trợ tỉnh dự án động lực đường giao thông kết nối từ cảng biển Cà Ná lên các tỉnh Nam Tây nguyên, đầu tư nâng cấp, mở rộng QL27 đoạn qua xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn), đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức PPP… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đều có những giải đáp, tháo gỡ ngay tại chỗ.

Thi công hầm núi Vung trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua tỉnh Ninh Thuận

Với đoạn 4,5km nâng cấp QL27 còn tắc, Bộ trưởng cho rằng đây chỉ là vướng mắc nhỏ trong toàn dự án gần 1.000 tỉ đồng. Ông nói hình tượng: “May xong cái áo còn vướng mỗi cái khuy. Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tháo gỡ vấn đề này”.

Đánh giá cao và chia sẻ với những nỗ lực của cán bộ, nhân dân của tỉnh, nhìn nhận Ninh Thuận là vùng đất có nhiều tiềm năng nhưng Bộ trưởng đưa ra một nhận định rất thận trọng: biến tiềm năng đó thành động lực cũng không phải là điều đơn giản.

Phải thu hút được những nhà đầu lớn

Nhận xét Ninh Thuận là tỉnh kẹt ở giữa các tỉnh phát triển, hạ tầng tốt như: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng: "Nếu kết cấu hạ tầng tốt hơn thì Ninh Thuận có cơ hội tốt, đặc biệt có sân bay, có cao tốc. Tôi có thông tin là khi đường cao tốc hoàn thành là ngay tức thì có sự chuyển động về kinh tế. Ninh Thuận đi sau nhưng có cơ hội lớn”.

Cơ hội lớn mà Bộ trưởng nói tới là “trên bến dưới thuyền”. “Trên thì có cao tốc, có sân bay; dưới thì có cảng biển có sức tiếp nhận tàu 300.000 tấn. Đó là lợi thế rất lớn. Nhưng biến thành động lực cũng cần nhiều điều kiện”.

Về những nội dung khác trong phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng góp ý Ninh Thuận chú ý các sản phẩm hóa chất sau muối, sản xuất nho, táo, tôm giống, điện năng… Ông cho rằng với các lĩnh vực trên, sản xuất còn nhỏ, chưa có quy mô lớn.

Theo Bộ trưởng, cùng với giải pháp mà tới đây Chính phủ sẽ đưa ra, Ninh Thuận cũng phải tự thân vận động rất nhiều mới có kết quả tốt.

Đó là tiếp tục làm tốt công tác chính trị, triển khai các nội dung của Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và hiệu quả dịch vụ công trực tuyến…

Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiến độ giải ngân, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm. Tập trung cao cho đầu tư hạ tầng: hạ tầng giao thông, logistics, dịch vụ thương mại… “Phần của Trung ương thì Trung ương làm, của địa phương thì địa phương nỗ lực. Tập trung nguồn lực, tránh dàn trải”, Bộ trưởng nói.

Việc phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, hiện đại hóa điều hành, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao năng lực thu hút đầu tư... được Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại: “Phải thu hút được những nhà đầu lớn. Chính họ mới thu hút được những nhà đầu tư khác, chứ chỉ quy hoạch lớn mà không thu hút được ai thì không hiệu quả”.

Đặng Đại - Vĩnh Phú - Khoa Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-gtvt-khong-phai-co-san-bay-la-co-khach-co-cang-la-tau-den-d591308.html