Bộ trưởng KH-ĐT: 'Nếu phấn đấu, có thể đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020'

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết thống kê mới nhất hiện đã có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước và nếu phấn đấu thì chúng ta vẫn có thể đạt con số 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020.

Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) bày tỏ băn khoăn trước mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong năm 2020.

Ông Lộc đưa ra thống kê hiện mới có 600.000 doanh nghiệp, và để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, mỗi năm chúng ta phải có trên ít nhất 200.000 doanh nghiệp mới ra đời. "Nhiệm vụ này gần như là bất khả thi", Chủ tịch VCCI nói.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2022 gây nhiều băn khoăn

Trước băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thống kê mới nhất hiện đã có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước và tin rằng nếu phấn đấu thì chúng ta vẫn có thể đạt con số 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020.

"Muốn vậy, cần triển khai, hỗ trợ đầy đủ các chính sách, chương trình về doanh nghiệp theo chính sách của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về băn khoăn của nhiều đại biểu xung quanh việc Việt Nam coi trọng thu hút đầu tư FDI nhưng đi liền đó có những nguy cơ, rủi ro về môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tái khẳng định: “Chính phủ chủ trương không thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường, tập trung vào vấn đề công nghệ thân thiện môi trường”.

Theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có những hạn chế nhất định. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT xây dựng định hướng mới trong thời gian tới. Theo đó, chúng ta khẳng định coi đầu tư nước ngoài vẫn là bộ phận của nền kinh tế và tiếp tục thu hút, phục vụ đầu tư phát triển song chúng ta phải có những “bộ lọc” để làm sao phát huy hết được tiềm năng, đồng thời không tạo những hệ lụy như đại biểu quan ngại.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội

Cũng trong phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 5 thách thức trong thời gian tới.

Thứ nhất là chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, giá dầu, chính sách tiền tệ, tỷ giá. Thứ hai là biến đổi khí hậu. Thứ ba là tụt hậu và khoảng cách phát triển. Thứ tư là thách thức từ các hiệp định thương mại tự do. Thứ năm là thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành xây dựng kế hoạch là tận dụng cuộc cách mạng này.

“Tinh thần của Chính phủ là không chủ quan, đánh giá kịp thời, ứng phó với các vấn đề xảy ra. Chúng tôi đã xây dựng kịch bản điều hành kinh tế đến năm 2020. Chúng ta cũng từng bước khắc phục những tồn tại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, đưa kinh tế tăng trưởng trong một thời gian dài, tránh nguy cơ tụt hậu. Chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa phát triển nhanh, lại vừa ổn định kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Lo ngại khoảng cách tụt hậu tăng nhanh

Trong 10 phút phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ lo lắng khoảng cách tụt hậu với các nước ngày càng tăng. Theo ông, đạt được kết quả như vừa qua "mừng nhưng vẫn còn lo". Cụ thể, GDP bình quân đầu người hiện mới đạt 2.540 USD, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 3.200 - 3.500 USD.

"Như vậy giai đoạn vừa qua mỗi năm GDP bình quân đầu người tăng 100 USD, và 2 năm còn lại phải tăng thêm 800-1.000 USD là thách thức lớn. Nếu không đạt được thì khoảng cách tụt hậu càng gia tăng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-truong-khdt-neu-phan-dau-co-the-dat-1-trieu-doanh-nghiep-vao-nam-2020/787828.antd