Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan dẫn đoàn doanh nghiệp tới tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan đang có chuyến viếng thăm Việt Nam. Ông đã dẫn theo phái đoàn gồm 20 doanh nghiệp hàng đầu Phần Lan nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng từ rác thải.

Ông Mika Lintilä, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan dẫn đầu phái đoàn 20 công ty Phần Lan vừa đến Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn hàng đầu thế giới về công nghệ tái tạo năng lượng từ rác thải và công nghệ ICT. Đây là lĩnh vực chuyên môn mà Phần Lan - quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu luôn dẫn đầu trên toàn cầu.

Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan khẳng định mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp Phần Lan và Việt Nam cùng nhau hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Chia sẻ với báo giới Việt Nam, Bộ trưởng Mika Lintilä cho biết, đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam và thấy rất vui mừng khi Việt Nam đã thay đổi rất nhiều sau 4 năm, mối quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Phần Lan, đặc biệt là về thương mại đã tăng trưởng nhanh chóng.

“Phần Lan coi Việt Nam là một thị trường quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, và đó là lý do vì sao hiện có 120 doanh nghiệp Phần Lan đang hoạt động tại Việt Nam”, Bộ trưởng Mika Lintilä nói và cho biết, ông hy vọng chuyến thăm này của ông sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới cho các công ty Phần Lan và Việt Nam.

Tháp tùng Bộ trưởng Mika Lintilä tới Việt Nam lần này có 20 công ty của Phần Lan, vốn rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý rác thải, biến rác thải thành năng lượng. Đáng chú ý trong số các doanh nghiệp này, có BMH Technology Oy, Fortum Power and Heat, Simosol Oy…

Trong đó, Simosol được thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các giải pháp công nghệ tiên tiến của Simosol được triển khai để tối ưu hóa hoạt động trồng rừng và chuỗi cung ứng gỗ. Tại Việt Nam, Simosol cũng đã hỗ trợ triển khai hai dự án, trong đó có hệ thống giám sát ngành lâm nghiệp để theo dõi việc khai thác và chế biến gỗ.

Còn BMH được thành lập vào năm 1929, có nhiều kinh nghiệm trong biến chất thải rắn không nguy hại thành SRF (nhiên liệu thu hồi dạng rắn), để thay thế các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu dùng trong các nhà máy điện. Hệ thống của BMH đã được lắp đặt ở 200 địa điểm trên thế giới, trong đó có nhiều nước châu Á…

Trong khi đó, Fortum là công ty năng lượng sạch hàng đầu của Phần Lan, có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp các giải pháp hiệu suất cao cho các thành phố và công ty năng lượng trong chuyển đổi sinh khối, sản xuất điện từ chất thải rắn… “Nền tảng trong chiến lược của chúng tôi là tạo ra giải pháp cho các thành phố bền vững”, ông Juha Suomi, Giám đốc khu vực châu Á của Fortum nói.

Theo ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình Xử lý rác thải thành năng lượng và năng lượng Sinh học của Business Finland, thì Phần Lan là quốc gia dẫn đầu về công nghệ tái tạo năng lượng từ chất thải (W2E).

Những công nghệ, giải pháp này được cho là phù hợp với Việt Nam, nơi có nhu cầu kiểm soát lượng rác thải và nguồn năng lượng nhằm đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Và đó chính là lý do 20 công ty Phần Lan đã đến Việt Nam lần này.

“Thực ra, chúng tôi đã bắt đầu quá trình gặp gỡ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam từ hơn 2 năm nay. Sau chuyến thăm kéo dài đến hết ngày 19/10, các doanh nghiệp Phần Lan sẽ tiếp tục tới Việt Nam tham gia một triển lãm vào tháng 11 tới để tìm kiếm các cơ hội ở đây”, ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình Xử lý rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học của Business Finland, cho biết.

Cũng theo ông Saku Liuksia, hiện nay, khi nhu cầu sử dụng năng lượng và năng lượng sạch tại Việt Nam tiếp tục tăng nhanh thì các phương pháp xử lý rác thải từ hộ gia đình cũng như xử lý chất thải từ nông nghiệp và công nghiệp trở nên tối quan trọng. Trong khi đó, Phần Lan lại là quốc gia dẫn đầu về công nghệ tái tạo năng lượng từ chất thải.

“Phần Lan luôn có các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, và chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn để có thể hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề trên”, ông Liuksia nhận xét.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, bà Minna Vilkuna, đại diện của BMH cho biết, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh dẫn đến tình trạng chất thải rắn đô thị (Municipal Solid Waste - MSW) đang gia tăng đáng kể tại Việt Nam. Theo đó, ước tính có đến 76-82% chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý tại các bãi rác và bãi chôn lấp nằm chủ yếu tại các đô thị, đồng thời con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“BMH hiện đang thảo luận các phương pháp khả thi để hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu lượng rác thải thông qua việc biến đổi thành năng lượng sạch phục vụ cho lưới điện quốc gia”, bà Minna nói.

Trong khi đó, ông Juha Suomi bày tỏ rằng, việc thắt chặt chính sách nhập khẩu phế liệu ở một vài quốc gia, trong đó có Trung Quốc đã vô tình khiến Việt Nam trở thành bãi đáp của hàng tấn phế liệu, trong đó có đến 36 triệu kg nhựa trong năm 2018, tăng 18 triệu kg so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Cục Hàng Hải Việt Nam, tính đến tháng 5/2018, gần 28,000 container chứa dây điện, thiết bị gia dụng, vải và xe hơi đã qua sử dụng đang bị “bỏ quên” tại các cảng biển trên khắp Việt Nam.

“Thay vì chiếm phần lớn không gian tại các cảng biển chính trên cả nước, các loại rác thải này có thể được biến đổi thành điện năng để phục vụ nhu cầu điện của các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp trong nước”, ông Suomi nhấn mạnh và cho biết, Fortum hoàn toàn có giải pháp để giải quyết những thách thức này.

Bên cạnh vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị, việc vận hành các ngành nông nghiệp và sản xuất tại Việt Nam phần lớn tạo ra các chất thải nguy hại, nhưng trong đó vẫn có chất thải có thể tái sử dụng để biến đổi thành năng lượng sạch. Các ngành này thường sản sinh ra loại chất thải nông nghiệp bao gồm tre, sắn, dừa, cà phê, dầu mè, gạo, mía và gỗ.

“Với giải pháp hàng đầu của Simosol trong lĩnh vực này, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế khi có thể biến đổi các loại rác thải nông nghiệp thành năng lượng để phục vụ cho quốc gia”, đại diện của Simosol Oy, ông Jussi Rasinmäki nhấn mạnh.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-truong-kinh-te-phan-lan-dan-doan-doanh-nghiep-toi-tim-kiem-co-hoi-dau-tu-tai-viet-nam-d89513.html