Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tìm cách làm khác biệt để việc khó không còn khó nữa

'10 nhân vật xuất sắc của Bộ TT&TT là 10 tấm gương, 10 cách suy nghĩ, cách làm khác biệt và đột phá. Những cá nhân và tập thể được tôn vinh hôm nay sẽ tạo động lực cho chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta sẽ tìm cách làm khác biệt để những việc khó sẽ không còn khó nữa'.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018 với chủ đề: “Vững bước tiên phong, sáng tạo đột phá” vừa được Bộ TT&TT tổ chức chiều 26/4 ở Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt đề cao 10 cá nhân xuất sắc được nhận bằng khen của Bộ trưởng năm nay.

10 nhân vật truyền cảm hứng

Tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo Bộ TT&TT đã chúc mừng, biểu dương 11 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018.

Đặc biệt đề cao 10 cá nhân xuất sắc được vinh danh lần này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “10 nhân vật xuất sắc của Bộ TT&TT năm 2018 là 10 thông điệp truyền đi về những đột phá và tạo cảm hứng cho chúng ta trong chặng đường phía trước. 10 nhân vật xuất sắc của năm là 10 tấm gương, 10 cách suy nghĩ, cách làm khác biệt và đột phá, tạo cho chúng ta niềm tin là mỗi chúng ta đều có thể làm được”.

Người đứng đầu Bộ TT&TT đã dành thời gian phân tích cụ thể những điểm khác biệt của 10 nhân vật truyền cảm hứng này.

Đáng chú ý, anh Trần Đăng Khoa của Cục An toàn thông tin là minh chứng thành công của 1 tập thể nhỏ dám mơ 1 giấc mơ lớn, nhóm nhỏ làm việc lớn. Không có gì trong tay nhưng có một giấc mơ Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, sánh vai với Mỹ, Israel, Nga….

Anh Trần Quốc Tuấn của Cục Tin học hóa đã phá vỡ suy nghĩ và cách làm của nhiều người lâu nay: “việc 1 năm thì làm 2 năm”. Tuấn chỉ làm trong 2 tháng và làm với chất lượng tốt.

Nhà báo Thu Hằng của báo VietNamNet bao giờ cũng chọn việc khó hơn, gai góc hơn để làm. Lẽ thường của cuộc sống là nếu có hai việc để chọn thì chúng ta sẽ chọn việc dễ hơn. Nhưng nhận việc khó hơn thì sẽ trưởng thành hơn và kết quả sẽ giá trị hơn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo Bộ chúc mừng 10 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Anh Lê Quang Tự Do của Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử có lẽ là người đầu tiên tuyên bố Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, không phải lời nói mà là trên thực tế. Ai đến kinh doanh cũng được nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Facebook có thể là gã khổng lồ với hàng tỷ người dùng và doanh thu hàng chục tỷ đô la, nhưng với Lê Quang Tự Do, khi đến Việt Nam làm ăn thì cũng phải như trăm ngàn doanh nghiệp khác.

10 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT, gồm: Lê Quang Tự Do (Phó Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử), Trần Đăng Khoa (Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Kế hoạch – Tài chính, Cục An toàn thông tin), Nguyễn Quang Vũ (phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Đào tạo - Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn), Lê Hồng Linh (Kỹ sư Phòng Kỹ thuật – thiết bị, Trung tâm Kỹ thuật, Cục Tần số Vô tuyến điện), Trần Quốc Tuấn (Trưởng Phòng Tích hợp hệ thống, Cục Tin học hóa), Nguyễn Thị Thu Hằng (Phóng viên ban Thời sự, Báo VietnamNet), Mai Hương Giang (Trưởng Phòng Báo chí Trung ương – Cục Báo chí), Nguyễn Nam Cao (Phó Trưởng Phòng Ứng dụng công nghệ – Công ty VTC Digital), Phạm Thị Thuân (Trưởng Điểm BĐVHX Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), Nguyễn Văn Thành (Kỹ sư Phòng Kỹ thuật Nghiệp vụ - Bưu điện tỉnh Đăk Lăk).

Còn chị Phạm Thị Thuân từ một điểm bưu điện - văn hóa xã ở tỉnh Quảng Ninh với suy nghĩ: Bưu chính cũng có thể phát triển thần kỳ như viễn thông, và rồi sẽ đến ngày doanh thu bưu chính vượt doanh thu viễn thông. Không ai có thể nghĩ rằng câu chuyện thương mại điện tử của thời chuyển đổi số lại là câu chuyện của bưu chính hơn là câu chuyện của viễn thông. Không ai nghĩ được rằng điểm bưu điện – văn hóa xã bây giờ là nơi cung cấp hầu hết dịch vụ cho bà con. Bưu chính từng là doanh nghiệp không ai muốn nhận về. Đi lên từ điểm rơi tận cùng, vận cùng tắc biến, cái tốt không tốt mãi, cái khó không khó mãi. Đó là niềm tin của người bưu chính.

Nguyễn Văn Thành, kỹ sư ở tỉnh xa các trung tâm công nghệ lớn, nhưng lại chế tạo ra sản phẩm công nghệ như một công ty chuyên nghiệp ở Hà Nội. Phần mềm của Nguyễn Văn Thành có những tính năng tốt nhất mà không công ty phần mềm chuyên nghiệp nào có thể mang lại cho giao dịch viên của bưu điện tỉnh. Năng suất lao động nhờ phần mềm của Thành mà tăng gấp đôi. Thời đại công nghệ số, người sử dụng cũng chính là người sáng tạo ra sản phẩm. Không phải cần đến Steve Jobs mới hiểu điều này mà 1 kỹ sư của bưu điện tỉnh của Việt Nam đã hiểu điều này và hiện thực hóa nó.

Trường Cao đẳng CNTT Việt – Hàn nhiều năm không tuyển được sinh viên, có năm chỉ tuyển được 10% chỉ tiêu. Có người nghĩ trường kém. Nhưng thầy giáo Nguyễn Quang Vũ lại nghĩ khác: trường không kém mà do cách tuyển sinh chưa phù hợp thời đại Internet. Nghĩ khác nên làm khác và cho kết quả khác. Năm 2018, số sinh viên của trường đã tăng 4 lần so với năm trước. Không chỉ miền Trung mà cả nước biết đến trường và gửi sinh viên đến học.

Gánh nặng 4 năm qua 2 Đại hội Đảng toàn quốc, 2 nhiệm kỳ Chính phủ đã được tháo gỡ: Thủ tướng ký quy hoạch báo chí. Có 1 người thầm lặng đứng sau quy hoạch đó, làm việc lặng lẽ, cần mẫn, không đao to búa lớn, ít ai thấy tên chị. Mấu chốt để có thể ký được quy hoạch là phải gặp gỡ, làm việc với từng cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, lắng nghe, thấu hiểu nỗi lo lắng của báo chí, phóng viên, và tìm giải pháp phù hợp. Nếu không phải là Mai Hương Giang ở Cục Báo chí, có khả năng lắng nghe, thấu hiểu đến không ngờ thì quy hoạch chưa được ra đời.

Thiết bị của Cục Tần số vô tuyến điện đa phần rất đặc chủng, chắc ở Việt Nam chỉ có 1 người mua, không thể có được hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ. Sửa chữa số lượng ít phải gửi về nơi sản xuất, chi phí rất cao. Lê Hồng Lĩnh đã quyết tâm tự tìm hiểu để sửa chữa. Lương vài triệu đồng một tháng mà Lĩnh vẫn mày mò quên ăn để tiết kiệm cho đất nước hàng chục tỷ đồng.

VTC đang trải qua những năm tháng rất khó khăn. Nhiều dịch vụ là nguồn thu chính nay suy giảm nhanh chóng. Truyền hình số trả tiền với đa số các công ty khác là thua lỗ. VTC dường như là doanh nghiệp duy nhất có lãi. Lời giải ở đây là công nghệ và giải pháp khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Muốn khác biệt thì không thể đi mua. VTC đã phát triển công nghệ khóa mã nội dung, giảm giá thành, tự phát triển hệ thống CNTT để quản lý phân phối, quản lý khách hàng… Người kỹ sư đứng sau những sáng tạo này là Nguyễn Nam Cao của Công ty VTC Digital.

“Năm 2019 là năm thay đổi thứ hạng Việt Nam về TT&TT. Tôi có niềm tin vững chắc rằng những cá nhân và tập thể được tôn vinh hôm nay sẽ tạo động lực cho chúng ta hoàn thành nhiệm vụ năm 2019. Chúng ta sẽ tìm cách làm khác biệt để những việc khó sẽ không còn khó nữa. Trong hội nghị tôn vinh năm sau, chúng ta sẽ có nhiều bất ngờ và cảm hứng nhiều hơn nữa”, người đứng đầu Bộ TT&TT bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo Bộ chúc mừng 3 đơn vị được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ và 8 đơn vị được Cờ Thi đua của Bộ TT&TT.

Lan tỏa tinh thần thi đua để “nâng cao thứ hạng Việt Nam”

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: “Năm 2018, công tác thi đua, công tác khen thưởng đã được quan tâm kịp thời, đúng người, đúng việc, có tác dụng động viên, giáo dục và thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển, gắn với công việc hằng ngày của mỗi tập thể, mỗi cá nhân, đã tạo sức lan tỏa trong toàn ngành”.

Trong năm qua, đã có 2 tập thể và 1 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; 9 tập thể và 14 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; 15 tập thể và 27 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 52 tập thể nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 7 tập thể và 123 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều tập thể cá nhân cũng đã được nhận Cờ thi đua của Bộ, Bằng khen của Bộ trưởng, danh hiệu Chiến sỹ thi đua giai đoạn, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp thông tin và truyền thông Việt Nam”…..

Trong khuôn khổ Hội nghị, 3 đơn vị đã được trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ gồm: Cục Tin học hóa, Cục Báo chí, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

8 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được tặng Cờ Thi đua của Bộ TT&TT năm 2018, gồm: Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Nhà xuất bản TT&TT.

“Những phần thưởng đó đã tạo động lực cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự tận tậm, tận tụy, năng động, sáng tạo trong công việc”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định và thêm một lần nữa đề cao việc triển khai phong trào thi đua yêu nước đã giúp ngành TT&TT vững bước vượt qua thách thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, từng bước thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về CNTT, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Qua Hội nghị này, Bộ TT&TT mong muốn cổ vũ, nhân rộng những tấm gương, điển hình tiên tiến, làm lan tỏa sâu rộng tới từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ tinh thần thi đua yêu nước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám suy nghĩ và hành động khác biệt; nhân lên lòng yêu ngành, yêu nghề và tinh thần cống hiến hết mình để thực hiện thành công mục tiêu “nâng cao thứ hạng Việt Nam”.

Hội nghị này cũng nhằm tiếp tục tạo khí thế thi đua sôi nổi và thực chất trong năm 2019. Đây cũng là dịp để các gương điển hình tiên tiến cùng trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm thành công, đoàn kết phấn đấu dấn thân vì sự phát triển của ngành TT&TT”, Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ thêm.

Bình Minh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-tim-cach-lam-khac-biet-de-viec-kho-khong-con-kho-nua-post297779.info