Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần tăng cường y tế cơ sở

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác nhân rộng mô hình trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở. Đây là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park, lãnh đạo Ban ngành Trung ướng, các tỉnh trên cả nước, và hơn 11,8 ngàn các trạm trưởng trạm y tế xã phường trên cả nước.

Chương trình hành động nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là hiện thực hóa Nghị quyết 20-21 của Ban Chấp hành TW, tiếp tục thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ phát triển bền vững mà Việt Nam và Liên hợp quốc cam kết thực hiện.

Với quan điểm sức khỏe của người dân là phải được chăm sóc từ khi chưa phát bệnh, ngay khi người dân còn khỏe. Chất lượng cuộc sống tốt là phải tập trung nâng cao các chỉ số cơ bản từ chiều cao cân nặng, chăm sóc bà mẹ trẻ em đến các bệnh mãn tính. Hiện nay, cứ 100 người bị bệnh thì 80-90 phần trăm là bệnh nhẹ cần chăm sóc ngay tại chỗ để khỏe lên chứ không phải chờ bệnh nặng mới phải tốn kém rất nhiều lần để chạy chữa.

Việt Nam đã có một hệ thống mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp gần 11,8 ngàn trạm y tế, gần 700 bệnh viện tuyến huyện, gần 300 phòng khám đa khoa khu vực. Tại các tỉnh, thành phố có tới 419 bệnh viện tỉnh, 40 phòng khám chuyên khoa. Ngoài công lập có tới 210 bệnh viện, trên 35 ngàn phòng khám và hơn 42 ngàn nhà thuốc. Đây là một nguồn lực và tài sản vô cùng lớn, cần tập trung đầu tư, sử dụng hiệu quả để đạt được mục tiêu lớn nhất và cuối cùng là chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Đoàn chủ tịch điều hành hội nghị

Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong khám chữa bệnh tại các địa phương dẫn tới việc người dân không tin tưởng các cơ sở khám chữa bệnh địa phương, người bệnh thường xuyên vượt tuyến, phải đi hàng trăm km đường xá để khám bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường làm tốn kém chi phí xã hội, có khi còn làm bệnh tình thêm nặng hơn, lây nhiễm các bệnh nguy hiểm trong môi trường bệnh viện.

Trong khi đó, phần lớn người dân chưa quan tâm đến việc khám sức khỏe dự phòng, phát hiện sớm các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường… để kịp thời chữa trị. Phần lớn các trạm y tế chưa quan tâm đến quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên như người lớn tuổi, bà mẹ, trẻ em… Đó là chưa kể đến số lượng các dịch vụ y tế tại địa phương rất hạn chế, danh mục thuốc bảo hiểm còn ít.

Đặc biệt là vấn đề nhận thức về chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh từ Trung ương tới địa phương, điển hình là việc một số tỉnh, huyện còn đề xuất “dẹp trạm y tế” vì cho rằng đây là sự lãng phí không cần thiết. Ngân sách nhà nước cũng chưa đảm bảo 30% chi dự phòng cho y tế cơ sở, cụ thể chỉ chi lương cho trạm y tế mà không có kinh phí hoạt động, chưa có hướng dẫn cho trung tâm y tế đa chức năng. Mặt khác, bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chi rất thấp, 3% cho khám chữa bệnh BHYT tại xã, 50% khám chữa bệnh tại tuyến huyện. Chưa có khoản chi cho dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh mạn tính, khám chữa bệnh lưu động. Trong khi đó, các quốc gia phát triển chi tới 39% ngân sách cho khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn: Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng ngược lại, chúng ta quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm của Việt Nam còn kém như tỉ lệ quản lý chỉ được 13,6% tăng huyết áp, 28,9% bệnh đái tháo đường. Đây là hai căn bệnh có tính thời đại, ở các nước đang phát triển chiếm đến hơn 70% nguyên nhân tử vong, cao hơn cả tai nạn giao thông.

Chúng ta có mạng lưới sẵn, hệ thống cơ sở tốt, giờ chỉ việc triển khai chăm sóc sức khỏe toàn dân sao cho tốt hơn. Y tế Việt Nam phải đổi mới toàn diện là phòng bệnh trước khi chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh phải nâng cao… Phải nhân rộng trên toàn quốc theo đúng lộ trình đề ra”.

Toàn cảnh hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị các địa phương cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của y tế cơ sở bởi sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương mới chỉ có 36 tỉnh thành có kế hoạch về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các trạm Y tế xã phường.

Có thể thấy rằng, để kiểm soát các bệnh mãn tính, phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị sớm cho người dân, không có cách nào khác là phải đầu tư cho khám chữa bệnh tại cơ sở. Bởi chính các trạm y tế, trung tâm y tế xã phường là “gần với dân nhất”. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Y tế mà còn là trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước.

THÀNH CÔNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/bo-truong-nguyen-thi-kim-tien-can-tang-cuong-y-te-co-so-17906.html