Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói về giải pháp '3 chân kiềng' phát triển ngành Y tế

Giải trình trước Quốc hội sáng 27/10 về một số vấn đề của ngành Y tế mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đang triển khai giải pháp '3 chân kiềng' để phát triển ngành Y tế.Xử lý kỷ luật 10.000 cán bộ

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhận xét, y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu, người gác cổng của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất, là nơi trực, dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các trạm y tế chưa tạo được niềm tin với người dân, nhiều trạm y tế chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa quan tâm đến công tác dự phòng, phần lớn trạm y tế chưa quản lý tốt bệnh mãn tính, số lượng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít, hầu hết trạm y tế xã, phường chỉ thực hiện 50-70% số dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến.

Nguyên nhân chủ yếu, theo đại biểu Bình, là do nguồn lực thiếu, yếu, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, kinh phí đầu tư chưa bảo đảm, một số ít địa phương chưa thực sự quan tâm đối với hoạt động của trạm y tế.

“Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Y Tế cần có giải pháp có tính chất lâu dài để thu hút nguồn lực nâng cao chất lượng y tế cơ sở nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân” - đại biểu Bình nói.

70-80% bệnh nhân hài lòng

Giải trình trước Quốc hội về lĩnh vực mình quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong thời gian qua với nỗ lực của toàn ngành, đã có những tiến bộ khá rõ nét. “Đánh giá gần đây nhất của UNDP qua chỉ số PAPI độc lập thì chỉ số hài lòng của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh đạt được 76% và Tổ chức sáng kiến Việt Nam đánh giá 3.000 người dân ra viện, phỏng vấn người nhà sau 2 tuần thì tỷ lệ hài lòng với bệnh nhân nội trú là 80%. Để đạt được đích cuối cùng đó, rất nhiều giải pháp đồng bộ.” - Bộ trưởng Tiến dẫn chứng.

Theo bà Tiến, để nâng cao chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế đã ban hành 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế và tổ chức đánh giá độc lập, chấm điểm, phân hạng bệnh viện theo kết quả chấm điểm đó một cách độc lập. Các bệnh viện được chấm điểm và thông tin công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin truyền thông và thực hiện ở hầu hết bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện lớn, đặc biệt ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến Trung ương đã xây dựng xây mới, sửa chữa, nâng cấp rất nhiều tạo nên bộ mặt bệnh viện khang trang, xanh sạch đẹp, đề án đổi mới toàn bộ phong cách hướng tới sự hài lòng của người bệnh được triển khai trong toàn ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình trước Quốc hội ngày 27/10

Về vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện, bà Tiến cho biết, ngành đã "rất quyết liệt". "Nếu bệnh viện nào để nhà vệ sinh bẩn là Giám đốc bệnh viện đó ở bẩn, nếu khoa nào mà để nhà vệ sinh bẩn, không có xà bông rửa tay, trưởng khoa đó ở bẩn" - bà Tiến nói.

Một điểm cơ bản để nâng cao chất lượng phục vụ, theo Bộ trưởng Tiến, đó là giải pháp đổi mới cơ chế tài chính tiến tới tính đúng, tính đủ đưa cả chi phí tiền lương vào chi phí giá dịch vụ y tế. Điều này giúp cho chất lượng khám chữa bệnh tăng, để tái đầu tư, giảm bớt ngân sách và nâng cao chất lượng bệnh viện tốt, thu hút người dân tham gia bảo hiểm và tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm trong thời gian qua vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường xã hội hóa, kết hợp công tư, khuyến khích các bệnh viện tư nhân tạo điều kiện để người dân có nhiều hình thức lựa chọn cho người dân, giảm bớt quá tải ở bệnh viện công.

Một đề án thời gian qua cũng được Bộ Y tế tiến hành hiệu quả đó là đề án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau khi tốt nghiệp đào tạo luân phiên từ 1-2 năm xung phong lên các bệnh viện ở 62 huyện nghèo.

Về những điểm hạn chế của ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, thứ nhất là vấn đề quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối ở Khoa khám bệnh có thể có những bệnh viện lên tới 5000-6.000 người. Nguyên nhân là người bệnh bị bệnh nhẹ cũng vào khám bệnh ở tuyến trên, không tin tưởng tuyến dưới do người bệnh chưa yên tâm với cơ sở y tế tuyến dưới.

Thứ hai là chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện, chưa đảm bảo được tỷ lệ 3 điều dưỡng – 1 bác sỹ. “Một bệnh nhân vào viện vẫn 3-4 người nhà vào chăm sóc, người dân vẫn phải chăm sóc chủ yếu chứ không phải bệnh viện" - Bộ trưởng nêu thực trạng và cho rằng, một trong những nguyên nhân là cơ chế tài chính chưa đủ chi trả cho cán bộ, nhân viên y tế.

Thứ ba, Bộ trưởng thừa nhận, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều các miền.

“Ba chân kiềng” phát triển ngành Y tế

“Chúng tôi giải quyết bằng kiềng ba chân” là giải pháp phát triển ngành Y tế mà Bộ trưởng nêu lên trước Quốc hội.

Theo bà Tiến, “chân” bên trái là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi đang còn khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh, vì "nếu bị nặng rồi thì chữa rất khó và vào bệnh viện rất tốn kém và nằm chữa dài.”

“Chân” kiềng thứ hai, theo Bộ trưởng, đó là người dân khi bị bệnh, phải vào bệnh viện thì phải được chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo các thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe thì có thể khám, kiểm tra tại Việt Nam giống như chất lượng nước ngoài.

Để làm được những điều trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho ngành Y tế một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, giá dịch vụ, kết hợp công tư, mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay... “Nếu không đẩy mạnh bảo hiểm tư nhân mạnh mẽ thì với bảo hiểm y tế hiện nay với mệnh giá thấp không thể chi trả hết được" - Bộ trưởng nói.

“Chân” kiềng thứ ba được Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra, đó là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng.

“Về nhân lực, sắp tới Quốc hội thông qua luật Giáo dục Đại học, chúng tôi đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế. Học 6 năm ra trường phải học thêm một năm nữa thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề với đánh giá của hội đồng giáo dục quốc gia độc lập. Sau đó phải học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề mới đảm bảo được chất lượng đào tạo theo mô hình của quốc tế” - người đứng đầu ngành Y tế nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, thông qua đường dây nóng, ngành y tế đã xử lý kỷ luật khoảng 10.000 cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến xã, tuyến Trung ương với nhiều hình thức kỷ luật, thậm chí là nghỉ việc, chuyển việc.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201810/bo-truong-nguyen-thi-kim-tien-noi-ve-giai-phap-3-chan-kieng-phat-trien-nganh-y-te-617873/