Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: '350.000 tỷ đồng không phải lấy cho Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch'

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong buổi thảo luận tổ tại Quốc hội ngày 24/10.

Nói về tổng số vốn 350 nghìn tỷ đề xuất cho chương trình chấn hưng văn hóa sẽ dùng cho giai đoạn 2025-2035, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, số tiền này được tổng hợp từ nhu cầu chính đáng của các địa phương, đã được cân nhắc, tính toán và sẽ lượng hóa cụ thể theo ngân sách từng giai đoạn.

"Nhiều người không hiểu sẽ đặt câu hỏi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm gì mà cần 350.000 tỷ đồng trong lúc đất nước còn khó khăn. Tôi nói rõ số tiền này không phải lấy cho chúng tôi", ông Hùng nói, giải thích rằng nếu chỉ nghe đến số tiền của chương trình và giật mình mà chưa tìm hiểu đề án thì rất khó.

 Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Thảo luận tổ tại Quốc hội ngày 24/10, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa có 9 mục tiêu, gắn với các dự án thành phần, thực hiện trên toàn quốc từ cấp xã đến huyện, tỉnh. "Bộ sẽ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu tất cả ý kiến góp ý cho chương trình, kể cả những ý kiến khó nghe hoặc hiểu không đúng, bởi họ yêu quý thì mới góp ý", ông Hùng nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, dư luận rất quan tâm tới chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa, đặc biệt là đề xuất về số tiền 350 nghìn tỷ sẽ huy động để phục vụ cho đề án này.

Trước khi xây dựng dự thảo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức hai hội thảo với tất cả các địa phương trên toàn quốc, bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Chương trình mục tiêu quốc gia sau đó được xây dựng bám sát luật đầu tư công.

Ngày 16/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi công văn đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đề nghị làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức vốn đầu tư Chương trình là 350.000 tỷ đồng trong 11 năm (2025-2035), trong đó tổng mức vốn đầu tư thực hiện Chương trình phải tính toán bám sát mục tiêu, quy mô của Chương trình.

Cơ quan soạn thảo ước tính đến năm 2030 sẽ cần 182.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 110.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỷ; vốn sự nghiệp 27.500 tỷ); vốn địa phương 36.000 tỷ; nguồn khác 36.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến thời điểm này chưa có cơ sở đề xuất nguồn lực cụ thể cả hai giai đoạn của chương trình mục tiêu quốc gia.

Chung quan điểm, Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia hạn chế, phải triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cả nước có 128 di tích quốc gia đặc biệt nhưng sau khi xếp hạng xong không có nguồn lực đầu tư nên xuống cấp "chưa biết bao giờ mới trùng tu được". Nhiều di sản văn hóa phi vật thể dần mai một. Nhiều nước trên thế giới có các trung tâm văn hóa ở nước ngoài tạo sức ảnh hưởng lớn, nhưng Việt Nam mới lập được hai trung tâm tại Lào và Pháp. Vì vậy, "cần sớm hoàn thiện chương trình trong năm 2024-2025".

"Cuộc sống hiện đại rất cần tạo dựng niềm tin, từ diễn đàn Quốc hội đến doanh nghiệp, người dân. Nếu không có niềm tin thì rất khó thực hiện công việc", ông Hùng nói, mong đại biểu Quốc hội góp ý để hoàn thiện chương trình. Ông tin rằng, mỗi người đều đau đáu với văn hóa dân tộc, bởi "giữ được văn hóa thì mới giữ được tên Việt Nam trên bản đồ thế giới".

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-350000-ty-dong-khong-phai-lay-cho-bo-van-hoa-the-thao-du-lich-post269822.html